Senkaku/Điếu Ngư nằm trong vùng phòng không của Trung Quốc.
Nhật và Trung hôm qua đều triệu đại sứ của nhau lên để phản đối sau khi Bắc Kinh hôm thứ bảy thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không, vùng yêu cầu các máy bay phải theo chỉ dẫn của nước này, trên khu vực bao gồm cả các đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật quản lý song Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người luôn tuyên bố không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền, đã kêu gọi Trung Quốc “kiềm chế”. Vụ việc vùng phòng không đang đặt chính phủ bảo thủ của Tokyo trong tình huống hiếm có, xích lại gần Hàn Quốc và Đài Loan.
“Tôi vô cùng lo ngại, đây là một một hành động vô cùng nguy hiểm, có thể gây hậu quả không lường trước được”, ông Abe cho biết trước quốc hội.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đã cam kết bảo vệ Nhật và cho biết quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới hiệp ước an ninh của Mỹ với đồng minh Nhật từ thời Thế chiến II.
“Tuyên bố của chính phủ Trung Quốc là khiêu khích không cần thiết”, phó phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết với các phóng viên trên chuyên cơ tổng thống. “Có những tranh chấp trong khu vực là một phần của thế giới và những tranh chấp này nên được giải quyết theo con đường ngoại giao”.
Quân đội Mỹ, với hơn 70.000 binh sỹ đồn trú ở Nhật và Hàn Quốc cho biết sẽ không tuân theo vùng phòng không “gây bất ổn” mà Trung Quốc áp đặt.
“Khi chúng tôi bay vào khu vực này, chúng tôi sẽ không đăng ký kế hoạch bay, chúng tôi sẽ không thông báo hệ thống tiếp sóng, tần số radio và logo của chúng tôi. 4 điều này Trung Quốc đã công bố là yêu cầu của họ”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Steve Warren cho hay. “Chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi cách thức hoạt động của chúng tôi vì chính sách mới này.”
Nhật cũng cho biết sẽ không tôn trọng vùng phòng không của Trung Quốc, với Bộ Ngoại giao ra tuyên bố cho rằng động thái “không có giá trị nào đối với Nhật”.
Tuy nhiên, một quan chức của hãng hàng không Japan Airlines cho biết hãng này đã nhận được thông báo và sẽ bắt đầu đệ trình kế hoạch bay lên giới chức Trung Quốc. Hãng All Nippon Airways cũng có động thái tương tự.
“Khẩu chiến” tứ phía
Căng thẳng Hoa Đông đã âm ỉ nhiều thập niên nhưng tăng nhiệt từ tháng 9 năm ngoái khi Nhật quốc hữu hóa 3 đảo trong Senkaku/Điếu NGư. Hai nền kinh tế lớn nhất châu Á giờ đây đang chơi trò “mèo vờn chuột” gần như cơm bữa trong khu vực, với các tàu và máy bay hai bên liên tục được triển khai.
Báo chí Trung Quốc đã chỉ trích lại sự giận dữ của Tokyo. “Tokyo thật giả nhân giả nghĩa và hỗn xược khi chỉ trích Bắc Kinh”, một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan gần gũi với Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay. “Nếu Nhật phái chiến đấu cơ chặn chiến đấu cơ Trung Quốc, lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ không ngần ngại dùng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp”.
Patrick Cronin, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết Trung Quốc đang hi vọng tấn công cả ông Abe và Obama. “Trung Quốc đang chế nhạo Nhật…trong khi ép Mỹ phải cẩn trọng và kiềm chế đồng minh”, ông cho hay.
Trung Quốc, nước không ngừng mở rộng quân đội khi kinh tế phát triển vượt bậc trong 2 thập niên qua, cũng có tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng khác, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Vùng phòng không của Trung Quốc cũng khiến Hàn Quốc, đang có quan hệ căng thẳng với Nhật vì những vấn đề quá khứ, nổi giận. Một phần vùng phòng không chồng lấn lên vùng phòng không của Hàn Quốc, bao gồm cả quần đảo Ieodo do Hàn Quốc quản lý song từ lâu cũng là “cái gai” với Bắc Kinh.
Đài Loan cũng phản ứng với vùng phòng không Trung Quốc và tuyên bố sẽ “bảo vệ chủ quyền” đối với Senkaku/Điếu Ngư, đảo Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Vũ Quý
Theo AFP