(Dân trí) - Sự việc gian dối, phù phép biến sinh viên “giả” thành sinh viên thật của Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (UTM) đang làm xôn xao dư luận. Nhiều nhà giáo dục bất ngờ và ngạc nhiên, tại sao lại có chuyện đó xảy ra? Ai chịu trách nhiệm?
Trách nhiệm người duyệt thành lập trường!
Trao đổi với PV Dân trí ngày 25/11, GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: “Tôi đọc thấy trên báo thông tin về Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (UTM) như vậy tôi ngạc nhiên quá, man trá quá. Tôi nghĩ, không chỉ tôi mà cả giới giáo dục trường đại học cũng cực kỳ ngạc nhiên”.
Điều ngạc nhiên mà theo GS Hạc, đó là sự man trá đã xảy ra nhiều năm rồi, ở ngay tại Hà Nội, cơ quan quản lý cao nhất của ngành cũng ở Hà Nội, tại sao bây giờ mới biết? Tại sao lại để tồn tại những trường này? Chúng ta cần phải chấn chỉnh lại - GS Hạc đề nghị.
Nói về việc ai chịu trách nhiệm trong sự việc của Trường ĐH UTM, GS Phạm Minh Hạc bức xúc cho rằng: “Trách nhiệm thuộc về cấp ký quyết định thành lập trường. Trường chưa có cơ sở vật chất mà vẫn ký cho thành lập. Cần xem lại các tờ trình, xem là ai trình, ai duyệt, ai ký. Xem lại trường thành lập được 6 năm nay mà vẫn tồn tại. Mức độ quan liêu xa thực tiễn đến mức quá tràn ly rồi. Vậy ai bảo vệ quyền lợi người học, bố mẹ người học, lao động cật lực để có tấn thóc cho con đi học? Ở đây, cơ quan quản lý phải bảo vệ người học vì mở những trường đại học như vậy là đánh lừa dân”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, gần đây, Bộ GD-ĐT không cho một số ngành, một số chuyên môn không được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nếu không đủ tiêu chuẩn. Thì nay, ngành giáo dục cần mạnh dạn xóa sổ những trường để xảy ra điều tồi tệ như trên. Điều quan trọng hơn là những người tốt nghiệp đại học ra trong điều kiện như vậy thì làm gì có chất lượng.
Để có được sinh viên, một số trường đại học mới mở đã "xé rào" để tuyển sinh bằng được.
Mất 5 tỷ đồng mới mở được trường ĐH?
Đồng quan điểm với GS.VS Phạm Minh Hạc, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Trong vấn đề quản lý thì người quản lý chung nhất là Bộ GD-ĐT. Tại sao lại có trường ĐH dởm như vậy mà vẫn tồn tại, trước hết là trách nhiệm của nhà nước. Tại sao vấn đề này xảy ra ở Hà Nội mà Bộ GD-ĐT lại không biết? Còn thứ làm dởm ra được như giấy báo điểm thi thì ai cũng làm ra được”.
“Tôi nói thẳng ra là mở được một trường ĐH tư thục phải mất rất nhiều tiền để “chi phí” vì làm rất nhiều giấy tờ, trình lên, trình xuống để xét duyệt. Có người nói với tôi phải mất 5 tỷ đồng mới mở được trường đại học. Vậy, trách nhiệm này thuộc về người ra quyết định. Vì người dân bỏ tiền ra để thành lập trường nếu hoạt động được thì tốt nếu không được thì thôi, vậy tiền đó ai cầm?” - PGS Cương chua xót nói.
PGS Cương cho hay, bố mẹ bán đất, bán nhà dành tiền cho con đi học nay lại bị lừa. Ở đây, cũng không nên quy tội cho người xây trường rồi đi “lừa” học sinh mà quy tội cho người quản lý, điều hành, người ký quyết định thành lập.
Việc ở trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị gian dối “phù phép” để tuyển được sinh viên cũng vì lý do phải có sinh viên vì theo quy định, trường đã mở ra 3 năm không tuyển sinh được sẽ bị đóng cửa. Nguyên Trưởng Phòng Đào tạo Lê Thị Việt Hoa đã phải thừa nhận trong bản giải trình là thực hiện theo chỉ đạo của Hiệu phó vì nếu không có sinh viên thì sẽ bị đóng cửa trường. Và, vị trưởng phòng đào tạo này cho rằng, không lường trước được sự việc lại xảy ra nghiêm trọng như vậy.
Theo GS Phạm Minh Hạc: "Nghị quyết TƯ 8 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã viết rất rõ: Kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc trong giáo dục. Thậm chí, tôi đọc, trong các tờ trình về đổi mới về chấn chỉnh lệch lạc thì cũng đã nói đến việc mở trường ĐH ồ ạt trong thời gian rất ngắn, trong đó nhiều trường không đạt yêu cầu, tiêu chí. Rất may, gần đây Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục Đại học quy định các tiêu chuẩn thành lập trường ĐH, bây giờ phát huy Luật này rất kịp thời”.
Chính vì mở trường đại học ồ ạt như vậy nên vài năm gần đây nhiều trường ĐH ngoài công lập đã không tuyển sinh được. Trong hội thảo đánh giá hoạt động 20 các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, GS Hoàng Xuân Sính đã chỉ ra rằng: “Rõ ràng là ta đã vung tay quá chớn, phung phí tiền bạc của ngân sách và của nhân dân vì ta cần gì có nhiều đại học như vậy ở mỗi tỉnh. Việc mở nhiều trường đại học, nhất là trường công là do nôn nóng muốn có số sinh viên trên vạn dân tăng nhanh; ta thường lấy một số nước làm chuẩn, chẳng hạn năm 2010, số sinh viên của ta đạt khoảng 200 SV/1 vạn dân trong khi đó Thái Lan đã đạt khoảng 400 SV/1 vạn dân. Lấy chỉ tiêu như vậy đúng hay sai?
Hồng Hạnh