- Dịch cúm đang tiến sát về Thủ đô, những cảnh bảo về việc tránh ăn gia cầm không rõ nguồn gốc loan đi khắp nơi. Song, bất chấp tất cả, tại chợ thịt ôi thiu, các hàng thịt gà ế ẩm, bốc mùi, chảy nước vẫn đắt khách nhà nghèo.
Chỉ cần giá rẻ, bất chấp ôi thiu
12 giờ trưa, khi tiểu thương tại khu chợ dân sinh trong khu vực nội thành đang dọn hàng để nghỉ trưa thì tại khu chợ thịt ôi dưới chân cầu Thăng Long (Hà Nội) lại bắt đầu nhộn nhịp mua bán. Chỉ bước tới đầu khu vực chợ tạm này, có thể ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên từ những miếng thịt ôi thiu mặc dù mấy ngày nay thời tiết mát mẻ, chỉ có mưa chứ không nắng gắt.
Theo quan sát của PV, sản phẩm tồn là những mảng thịt lợn, bò trắng bệch, thâm đỏ, ngoài ra còn có các loại thịt gà chảy nước được đựng trong những chiếc làn cỡ bự cáu bẩn. Tất cả đều được bày bán trên những bao tải, những tấm giấy bìa catton hay những miếng nilon rải thẳng xuống dưới nền đường đất cát ẩm ướt cùng với tiếng vo ve của ruồi và mùi ôi thiu của thịt tạo ra mùi "đặc trưng" cho khu chợ này.
Trong vai người mua hàng, PV liên tục nhận được những câu mời chào mua hàng với giá hấp dẫn của người bán: “Mua thịt gà đi em, nay thịt ngon, giá chỉ 30.000 đồng/kg”...
|
Mặc dù chất lượng thịt không đảm bảo nhưng vì giá rẻ nên hàng thịt gà ế lúc nào cũng nhộn nhịp mua bán
|
Theo một tiểu thương bán thịt gà tên Hằng, mấy ngày gần đây, thịt gà ế từ các chợ đổ về nhiều hơn. Song, chị Hằng cũng cho biết, ở chợ thịt ôi này, chất lượng thịt không quan trọng bởi ai cũng biết, giá gà càng rẻ càng dễ bán, số lượng bao nhiêu cũng được tiêu thụ hết.
“Trước, ở chợ chỉ có vài ba hàng thịt gà ế từ các chợ khác dồn về nhưng dạo này có đến cả hàng chục. Hôm nào ế nhiều còn đến 20 hàng chứ không ít. Buổi trưa, thịt gà ế từ khắp các chợ nội thành đều dồn về đây để cố bán hết số hàng tồn”, chị Hằng nói.
Vừa kết thúc câu chuyện với chị Hằng, một tiểu thương từ chợ nội thành phi thẳng xe vào khu chợ, ngay sau khi bày đủ các loại thịt gà ế trên miếng bìa catton, người mua đã ào tới để chọn thịt rồi mặc cả giá. Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, vị tiểu thương này đã tiêu thụ hết khoảng 15 con gà ta và gần 10 con gà công nghiệp thịt đã ngả màu tím tái.
Ghi nhận tại chợ thịt ôi thiu này, giá thịt gà ta chỉ từ 50.000-55.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp giá 25.000 đồng/kg, loại ngon, ít mùi giá 30.000 đồng/kg. Các loại thịt lợn cũng đồng giá từ 55.000-60.000 đồng/kg, rẻ hơn chỉ bằng nửa hoặc 1/3 so với giá bán tại chợ dân sinh.
|
Thịt gà ế, ôi thiu được bày bán tràn lan ở khu chợ tạm dưới chân cầu Thăng Long (ảnh B.H)
|
Nhà nghèo, vẫn vô tư mua
Theo quan sát của PV, hầu hết người đến mua thịt đều là những người dân sống quanh vùng với thu nhập thấp, dù biết thịt bị ôi nhưng giá rẻ nên họ vẫn chấp nhận mua và tự tìm cách chế biến cho hấp dẫn.
Vừa mua được một cân thịt gà với giá 30.000 đồng, chị Trần Thị Thêm, công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, hôm nay mua thịt gà rẻ hơn được mấy giá mà thịt lại còn ít mùi hơn.
Đề cập đến vấn đề thịt gà tại chợ ôi thiu, chất lượng không đảm bảo trong khi dịch cúm gia cầm đang bùng phát, nên mua thịt gà tại cơ sở bán có uy tín, bảo đảo rõ nguồn gốc, chị Thêm cười nói: “Người bán, giết mổ còn không sợ dịch thì mình về nấu chín chắc cũng không sao đâu. Ở những chỗ bán có uy tín, nguồn gốc rõ ràng giá đắt tiền đâu mà mua, mua gà ở đây giá chỉ bằng một nửa”.
|
Người tiêu dùng vẫn vô tư mua thịt gà giá rẻ bất chấp dịch cúm đang lan rộng
|
Ngoài ra, chị Thêm còn cho biết, không phải riêng chị mà phần lớn công nhân tại khu vực chị trọ đều ra chợ dưới chân cầu Thăng Long mua thịt về ăn. Sau khi mua về, thịt ôi được xát muối, nếu ôi quá thì ngâm dấm, ướp ngũ vị hương rồi nấu. Riêng thịt gà còn được người bán khuyến mại gừng, sả để khử mùi cho tiện.
Tương tự, Nguyễn Thị Lan, sinh viên một trường đại học tại Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mấy hôm nay thịt gà tại chợ này bán nhiều, giá rẻ lên phòng trọ của Lan liên tục mua về ăn.
“Thịt gà ế vì cúm gia cầm nên giá rẻ chúng em mới có cơ hội ăn chứ trước đây, tuần chỉ dám mua một lần thôi. Virus nào có hại nấu chín cũng đều chết hết”, Lan cười nói.
Hùa theo, các tiểu thương bán cũng luôn miệng khẳng định: “Cứ mua đi, chị giết gà, bán thịt gà còn không sợ cúm thì mua về nấu ăn em sợ gì chứ. Nếu bị lây chị đã không đứng ở đây bán. Thịt nay ngon, ít mùi lắm”.
Dịch cúm gia cầm áp sát Thủ đô
Thông tin mới nhất từ Cục Thú Y (Bộ NN-PTNT), tính đến hết ngày 1/3, dịch cúm gia cầm cúm A/H5N1 đã phát sinh tại 02 hộ chăn nuôi vịt, thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) làm 2.132 con vịt mắc bệnh, tổng đàn vịt nuôi 5.700 con. Điều đó đồng nghĩa, dịch cúm gia cầm đang lan rộng và đã áp sát cửa ngõ phía đông của Thủ đô Hà Nội.
Như vậy, theo số liệu thống kê, hiện cả nước đã có 25 tỉnh, thành phố phát hiện có dịch cúm gia cầm với hơn 90 nghìn con gia cầm gia cầm bị bệnh, số gia cầm bị tiêu hủy là hơn 115 nghìn con. Một số tỉnh như Khánh Hòa, Lào Cai, Vĩnh Long, Trà Vinh, dịch cúm gia cầm còn diễn biến phức tạp, làm nhiều gia cầm chết.
|
Bảo Hân