Hỗ trợ trực tuyến
Kinh doanh 1
0985525773
Kinh doanh 2
0983505352
Kinh doanh 3
0986438532
Kinh doanh 4
0986204553
Thống kê truy cập
2.777.214
Những vụ việc về tài khoản khủng của quan chức cũng làm "vỡ" ra những kẽ hở trong quy định minh bạch, kê khai tài sản.
Biệt thự quan chức và những 'kẽ hở'

Khi dư luận tự "kết án"

Báo chí những ngày qua đề cập sôi nổi về biệt thự của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, theo dõi kỹ có thể thấy các bài báo chủ yếu xoay quanh việc đơn thuần mô tả ngôi biệt thự của ông Truyền "hoành tráng", "nguy nga" ra sao. Rất ít bài báo đưa ra được những dẫn chứng, số liệu, phân tích làm căn cứ để xác minh nguồn gốc các tài sản mà ông Truyền hiện sở hữu.

Thế nhưng, đa phần những phản ứng, bình luận của dư luận sau đó đều theo một chiều hướng. Đó là hoài nghi (thậm chí tự đưa ra kết luận) quan chức mà có dinh thự, tài sản "khủng" như vậy tất có "vấn đề" tham ô, tham nhũng.

Khoan chưa bàn đến nguồn gốc tài sản của ông Truyền, thì ở đây chúng ta có thể nhận thấy một vấn đề nổi lên trong cách thức truyền thông đưa tin và cách thức tiếp nhận của độc giả đối với những hiện tượng tương tự. Đó là, sự "lên ngôi" của những tiếng nói nặng về cảm tính, suy đoán hơn là những lập luận lý trí, dựa trên bằng chứng và tinh thần pháp luật.

Báo chí hiện nay đang tạo ra nhiều dư địa để "chống tham nhũng" và nhiều vụ việc tiêu cực là do báo chí phát hiện, sau đó các cơ quan điều tra vào cuộc. Tuy nhiên, sự thiếu vắng những loạt bài điều tra tỉ mỉ và cẩn trọng, thay vào đó là chiều hướng khai thác tin tức "nóng sốt" chiều theo nhu cầu số đông đã góp phần củng cố thêm những định kiến trên.

Theo nguyên tắc tố tụng hình sự, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Vì vậy, việc chúng ta "ném đá", tự đưa ra kết luận theo chủ quan của mình thay vì đòi hỏi những căn cứ chính xác, tường minh, chính là đang "làm thay" tòa án.

Quyền bình luận thuộc về mọi người, nhưng bất cứ ai cũng phải nhận thức được rằng chúng ta chịu trách nhiệm trước những phát ngôn của mình. Và mặt khác, những phát ngôn ấy có tác động rất lớn lên các đối tượng liên quan, nhất là trong thời đại internet, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

biệt thự khủng, Trần Văn Truyền, quan chức, kê khai tài sản, minh bạch, nhà nước pháp quyền
Biệt thự của ông Trần Văn Truyền. Ảnh: Dân trí

Vấn đề của lòng tin

Tuy nhiên, từ chuyện này, có một câu hỏi cần đặt ngược lại. Đó là, tại sao lại có xu hướng đánh giá một chiều đó của người dân về nguồn gốc tài sản quan chức? Ở đây có vấn đề của lòng tin: lòng tin vào hệ thống pháp luật và một bộ phận lãnh đạo của người dân đang bị thử thách nghiêm trọng.

"Tham nhũng đã thành đường dây có tổ chức", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra. "Chúng ta đã đẩy lùi được một bước nhưng rõ ràng tham nhũng còn nhức nhối. Nhức nhối có hai cực, một cực là tham nhũng lớn phát hiện chậm, kéo dài, lúc đầu nói to bằng con voi cuối cùng xử bé. Một cực khác phần lớn diễn ra ở bên dưới cơ sở như các cụ, các bác ví giống ngứa ghẻ rất khó chịu".

Chính điều này đã làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của người dân đối với công quyền. Hệ quả là, gặp một thông tin nào có vẻ "khác thường" về quan chức, người dân dễ dàng liên tưởng đến nạn tham ô, tham nhũng, bất kể suy đoán này có căn cứ hay không.

Muốn khắc phục được điều này và khôi phục niềm tin của người dân, chúng ta phải kiến tạo được một hệ thống công quyền vững mạnh, trong sạch. Nghĩa là hệ thống đó và những người vận hành nó cần được đặt vào bộ khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và người dân thực hiện quyền giám sát một cách thực chất.

Nói về ý thức luật pháp khi hệ thống luật pháp vẫn chưa kiện toàn, nhiều kẽ hở có thể bị coi là một điều xa xỉ, thậm chí có phần "mơ mộng". Song, để có thể đạt được mục tiêu nhà nước pháp quyền, thì những nỗ lực, quyết tâm từ cả hệ thống thượng tầng cũng như từ người dân đều vô cùng cần thiết.

Trong một xã hội pháp quyền - hay một xã hội dựa trên pháp luật - cả nhà nước và người dân đều tuân thủ pháp luật. Ở đó, nhà nước chỉ có thể hoạt động và được bảo vệ trong một khuôn mẫu chặt chẽ của pháp luật. Còn người dân có thể tin tưởng, dựa vào sự nghiêm minh của pháp luật để bảo vệ cho lợi ích của bản thân.

Chỉ khi làm được như vậy, thì nếu có những sự việc tương tự tài sản "khủng" của quan chức, người dân sẽ vững lòng tin vào phán quyết của pháp luật, thay vì tự mình "kết án" mà thiếu các căn cứ.

Những kẽ hở

Những vụ việc về tài khoản khủng của quan chức cũng làm "vỡ" ra những kẽ hở trong quy định minh bạch, kê khai tài sản. Chẳng hạn, việc "Ở Việt Nam, pháp luật hiện hành chưa quy định về kê khai, công khai tài sản của cán bộ do Trung ương quản lý nhưng đã nghỉ hưu. Đây là một kẽ hở mà thực tế, đã có nhiều ví dụ cho thấy, cán bộ, quan chức cao cấp, sau khi nghỉ hưu mới mua sắm xe hơi đắt tiền, biệt thự... để tránh việc quản lý về kê khai, công khai tài sản hiện hành và cũng để tránh điều tiếng khi còn đương chức".

Muốn lấp những kẽ hở kiểu này, cần có một thể chế phải đủ mạnh, lấy tư duy "phòng ngừa" làm điểm xuất phát. Nghĩa là, ngay từ gia nhập bộ máy, công chức phải kê khai rõ ràng, đầy đủ các tài sản trước khi thành công chức, các nguồn thu nhập... Quy trình kê khai này phải được thực hiện nghiêm túc trong suốt quá trình đương chức của họ, nhằm không tạo khoảng trống để tích lũy lượng tài sản trái phép hoặc không minh bạch.

Chúng ta cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia từ các nước, các tổ chức có kinh nghiệm. Chẳng hạn, trong 1 bài phỏng vấn mới đây trên báo PLTP, ông Jairo Acuna - Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng: "Cần phải có những quy định để khi có bất kỳ sự thay đổi nào về tài sản đối với quan chức, kể cả quan chức về hưu, họ cũng phải giải trình".

"Vì vậy vấn đề ở đây là cần quy định rõ thời gian về việc kê khai tài sản. Chẳng hạn, một quan chức làm việc 10 năm thì phải có quy định kê khai trong 10 năm đó, trước khi quan chức về hưu cần "chốt" lại ở thời điểm đó khối tài sản của họ là bao nhiêu. Sau này nếu xuất hiện những tài sản mới thì phải tiến hành xác minh nguồn gốc số tài sản tăng thêm này" - chuyên gia này phân tích.

Trả lời báo giới tuần qua Người phát ngôn Chính Phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh rằng: "Mỗi cán bộ đảng viên dù đương chức hay về hưu đều có một tổ chức quản lý trực tiếp và tổ chức này có trách nhiệm quản lý cán bộ đảng viên của mình theo đúng quy định". Như vậy, dù có về hưu hay không, các quan chức vẫn là đối tượng nằm trong tầm kiểm soát về minh bạch tài sản. Quan trọng là cần tạo ra những quy định pháp luật chặt chẽ và quyết tâm minh bạch, rõ ràng.

Phúc Long - Phạm Văn

---

Nguồn tham khảo:

- Chuyện dinh thự của ông Trần Văn Truyền và khoảng trống pháp luật, PLTP, 26/2/2014.

- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tham nhũng đã thành đường dây có tổ chức, Thanh niên, 06/12/2013.

- Quan chức về hưu cũng cần kê khai tài sản, PLTP, 28/2/2014.

Các bản tin khác:
» Nga: Tổng thống bị phế truất Ukraine yêu cầu Putin triển khai quân
» Thi tốt nghiệp 4 môn: Trò vui, nhà trường phấn khởi
» Vướng vào dây diều, một người nguy kịch
» Hà Nội: Ôtô đâm thẳng vào dòng xe máy chờ đèn đỏ
» Thế giới hối thúc tìm kiếm giải pháp chính trị cho Ukraine