(Dân trí) - Không kể sáng hay chiều, những người vẫn thường được cho là sư tung hoành ở mọi nẻo đường vào Phủ Tây Hồ. Thấy vẻ mặt khắc khổ trong bộ quần áo nâu sồng của những người đầu trọc, đi chân đất nên nhiều du khách chẳng ngần ngại rút tiền bỏ vào... bát nhựa.
Cách thức hoạt động của những người gây lầm tưởng là sư ở Phủ Tây Hồ đó là đứng bất động thành hàng dài ở giữa lối đi vào Phủ nhằm thu hút sự quan tâm của du khách. Cứ mỗi lần có người ủng hộ tiền có mệnh giá lớn thì các “sư” nhanh tay đẩy tiền chẵn xuống dưới và tiếp tục đưa tiền lẻ lên trên. Khi bát nhựa đầy tiền, ngay lập tức họ cầm cả nắm nhét vào tay nải đeo ở trên vai và tiếp tục hoạt động.
Theo điều tra của chúng tôi, những người trong bộ dạng mà nhiều người lầm tưởng là sư thường ăn ở lang bạt ở gần khu vực Phủ Tây Hồ. Để có thể hành nghề từ sáng đến tối các sư giả chuẩn bị xoong, nồi đi cùng. Tranh thủ lúc du khách vắng họ cũng đi chợ, nấu cơm…
Điều đáng nói ở đây, phần lớn các du khách đến Phủ Tây Hồ ít tìm hiểu nguồn gốc của đội quân tưởng là “sư” này. Có người ngộ nhận những người đầu trọc, chân đất là sư, có người thì quan niệm đơn giản coi như là làm công đức mỗi khi đến chùa đình…
Trong vai người đi lễ ở Phủ Tây Hồ, chúng tôi đã bí mật tiếp cận với những đối tượng này. Và thật bất ngờ khi chính họ cũng thừa nhận mình không phải là sư mà đơn thuần chỉ là người đi “quyên góp” để cứu độ chúng sinh… nhưng lại không có giấy tờ chứng minh cũng như pháp hiệu.
Tưởng chừng những đồng tiền công đức vài nghìn đồng chẳng đáng là bao nhiêu nhưng có chứng kiến cảnh đội quân sư “biến” tiền lẻ thành tiền có mệnh giá lớn ở các chợ mới thấy “thu nhập” của họ khủng ra sao. Theo điều tra, một ngày trong bộ dạng giả sư đi cứu độ chúng sinh thì số tiền mỗi người thu được có thể lên đến tiền triệu…
Nguyễn Hùng – Nguyễn Dương