|
Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng lên 240 tỷ USD để bổ sung các thiết bị quân sự. Ảnh minh họa: AFP
|
Theo AFP, khoản chi trên được duyệt cho giai đoạn 2014-2019 và tương đương với mức tăng 5% của ngân sách quân sự trong 5 năm qua. Nó sẽ được dùng để mua hai tàu khu trục có hệ thống chống tên lửa Aegis, ba máy bay không người lái, 5 tàu ngầm, 17 trực thăng Osprey, 28 chiến đấu cơ F-35, một máy bay tàng hình và 52 xe đổ bộ, trong cuộc chuyển dịch chiến lược về phía nam và tây của Nhật.
Danh sách mua sắm này là một phần trong kế hoạch của ông Abe nhằm bình thường hóa quân sự tại Nhật, nước theo chủ nghĩa hòa bình kể từ khi thất trận trong Thế chiến II. Lực lượng hiện đại và chuyên nghiệp của Nhật chỉ hạn chế trong vai trò tự vệ.
Theo đó, nội các Nhật cũng nhất trí giới thiệu một "lực lượng phòng thủ chung", được dự kiến sẽ giúp các lực lượng lục, không và hải quân phối hợp với nhau hiệu quả hơn.
"Tình hình an ninh quanh Nhật Bản đang trở nên ngày càng khắc nghiệt và để duy trì hòa bình, việc tiến hành các chính sách an ninh quốc gia một cách có chiến lược và quy củ hơn là điều cần thiết", USA Today dẫn lời Bộ Ngoại giao Nhật hôm nay cho biết, tại cuộc họp báo khi các quan chức giới thiệu Chính sách An ninh Quốc gia đầu tiên của nước này. "Điều này không hề thay đổi chính sách hòa bình kiên định của Nhật trong suốt giai đoạn hậu chiến tranh".
Nhật thông qua kế hoạch trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố thành lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) bao trùm chuỗi đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, khiến Tokyo phản đối quyết liệt.
Thủ tướng Abe hôm 14/12 lên án tuyên bố trên, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh rút lại nó ngay lại lập tức và vô điều kiện, sau một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN. Thông cáo chung cuối hội nghị này cũng kêu gọi sự tự do đi lại trên biển và trên không. Ngay lập tức, Trung Quốc chỉ trích những phát biểu của ông Abe là "vu khống".
Kế hoạch tăng cường quốc phòng mới của Nhật Bản cũng nhằm củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại "mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy ra" từ Triều Tiên. Các nhà phân tích nghi ngờ Bình Nhưỡng sẽ đẩy mạnh chương trình hạt nhân để củng cố quyền lực cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un, sau vụ xử tử người chú Jang Song-thaek gây chấn động quốc tế.
Trọng Giáp - Anh Ngọc