(Dân trí) - “Từ lúc xảy ra sự việc em S. sợ không dám tiếp xúc với ai. Các bạn trong trường cứ chạy tới lớp để xem mặt em S.”, cô Nguyễn Công Quỳnh Trang, giáo viên chủ nhiệm của em gái bị siêu thị bắt đeo biển “Tôi là người ăn trộm” cho biết.
Mấy ngày nay, cộng đồng mạng phẫn nộ trước bức ảnh một nữ học sinh bị bắt trói và đeo tấm biển với dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” trong một siêu thị. Sau khi bức ảnh được đăng tải, nhiều người dân ở nơi xảy ra sự việc là thị trấn Chư Sê (Chư Sê, Gia Lai) đã gọi điện phản ánh tới báo Dân trí, bày tỏ nỗi bức xúc về cách hành xử của siêu thị này.
Theo đó, nữ sinh bị làm nhục là em S. đang học một trường THCS ở huyện Chư Sê. Sự việc được nhà trường cho biết, hôm xảy ra sự việc là khoảng gần 13h chiều ngày 10/4, em S. và một bạn học đi vào một siêu thị ở thị Trấn Chư Sê (siêu thị V.Y.) để mua giấy kiểm tra. Em S. có vài nghìn đồng để trong cặp nhưng cặp được gửi tại quầy nhân viên. Khi S. và bạn đến khu vực mua giấy kiểm tra thì được biết giấy kiểm tra đã hết. S. thấy 2 quyển truyện mình yêu thích là “Trạng Quỳnh- Sư Bảo Mẫu” và “Trạng Quỳnh- Ngọc Người” (mỗi cuốn giá 10 nghìn đồng) nên đã cầm lên với ý định sau khi ra quầy lấy cặp sẽ trả tiền.
Khi S. chuẩn bị đi xuống phía cầu thang siêu thị thì bị bảo vệ của siêu thị chạy lại chặn và hô trộm. Sau đó, nhiều người xúm lại, bảo vệ dùng băng keo trói 2 tay cô bé ở lan can cầu thang rồi đi in một tấm biển có dòng chữ “Tôi là người ăn trộm”.
Siêu thị nơi được cho là đã xảy ra vụ nhân viên bắt trói và treo biển làm nhục nữ sinh S.
Sau khi treo tấm biển trên vào cổ cô bé, nhân viên siêu thị đã tra hỏi địa chỉ, tên cha mẹ, trường lớp, số điện thoại cha mẹ cô bé… Do không nhớ số điện thoại của cha mẹ mình nên nữ sinh đã nhờ bạn đi cùng liên lạc với nhà người bác ở thị trấn Chư Sê để nhờ giúp đỡ. Khi bác cô bé lên, siêu thị đã yêu cầu người thân nộp phạt 200 nghìn đồng rồi mới "tha". Bác S. đã nộp phạt và đưa cháu mình về nhà.
Cô giáo Trang cho biết, sau khi xảy ra sự việc, chiều cùng ngày, S. do quá sợ hãi đã không dám đến trường học tiết thể dục, chỉ ở nhà khóc cả ngày. Phụ huynh lo lắng cho con mình nên đã liên lạc với nhà trường và xin sáng 11/4 được lên trường trình bày sự việc, mong những học sinh khác không phân biệt, kì thị S. Sau khi được cô giáo Trang và Ban giám hiệu nhà trường phân tích, các học sinh trong trường và trong lớp không có thái độ kì thị với S. Tuy nhiên, từ khi xảy ra sự việc, tâm lý của S. vẫn chưa được ổn định, cô bé hay khóc và tỏ ra sợ hãi không dám tiếp xúc với ai, không dám đi ra khỏi lớp giờ ra chơi.
“Khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã động viên em S. rất nhiều, Tuy nhiên em S. vẫn còn sợ hãi”, cô Nguyễn Thị Trà Giang, Tổng Phụ trách đội nhà trường cho biết.
Trước sự việc trên, nhiều giáo viên trong trường cũng như người dân bày tỏ sự bức xúc về cách hành xử của siêu thị. “Cháu còn nhỏ và đang trong độ tuổi đi học, đang trong độ tuổi giáo dục mà lại bị đối xử như vậy khiến chúng tôi rất bất bình với cách hành xử trên, khi thấy ảnh của học sinh bị vậy chân tay tôi rụng rời”, một giáo viên trong trường cho biết.
Gia đình em S. cho biết, từ khi xảy ra sự việc đến nay gia đình rất ngại, không dám đi đâu. Gia đình chia sẻ: “Chúng tôi đã nộp phạt cho siêu thị và cũng đã xin lỗi lãnh đạo siêu thị vì hành động dại dột của con mình, chúng tôi cũng không muốn làm lớn chuyện vì dù sao con mình cũng đã sai. Chúng tôi cũng đã răn đe cháu, và cũng sợ cháu làm chuyện dại dột nên luôn động viên giảng giải cho cháu hiểu “con đã làm sai thì con phải biết chịu lỗi của mình”. Từ khi xảy ra sự việc, tâm lý của S. rất buồn do bị các bạn trường khác dị nghị”.
Trước sự việc trên, PV Dân trí đến siêu thị V.Y. để tìm hiểu thực hư nhưng nhân viên siêu thị nói “lãnh đạo đi công tác rất xa”. Khi PV liên lạc qua điện thoại của giám đốc siêu thị thì điện thoại báo không liên lạc được. PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thiên Thư