Hỗ trợ trực tuyến
Kinh doanh 1
0985525773
Kinh doanh 2
0983505352
Kinh doanh 3
0986438532
Kinh doanh 4
0986204553
Thống kê truy cập
2.777.214
Giữ nhà công vụ giá bèo là duy trì đặc quyền đặc lợi cho cán bộ
(Dân trí) - “Một căn hộ chung cư công vụ giá thuê phải trên 10 triệu đồng/tháng nhưng thực tế cán bộ chỉ phải trả vài trăm nghìn đồng”; “Giữ nhà công vụ giá bèo là duy trì hiện tượng đặc quyền đặc lợi cho cán bộ”…

Nhiều ý kiến cảnh báo được đưa ra trong phiên họp thẩm tra dự án luật Nhà ở tại UB Pháp luật của Quốc hội ngày 2/4.

Lình xình từ vụ nhà công vụ số 2 Hoàng Cầu

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật Nhà ở của UB Pháp luật của Quốc hội lưu ý nội dung về chính sách phát triển nhà ở công vụ. Thường trực UB cho rằng, cần phải làm rõ định hướng phát triển nhà ở công vụ ngay trong luật để tránh hiện tượng phiến diện, chỉ bó hẹp đối tượng được thuê, cấp nhà ở công vụ như hiện nay.

Thực tế cho thấy, nhà ở công vụ là nhà cho thuê mà đối tượng có nhu cầu rất lớn, nhà nước khó có thể đáp ứng được. Việc nhà nước đầu tư xây nhà ở công vụ hiện nay thực chất là bao cấp cho một số ít đối tượng với giá rẻ trong khi số đông cán bộ, công chức (nhất là cán bộ, công chức trẻ) có nhu cầu thì không được đáp ứng.

Vì thế, cơ quan thẩm tra dự án luật yêu cầu phải xây dựng định hướng phát triển nhà cho thuê đối với mọi đối tượng thực hiện công vụ chứ không nên đặt vấn đề bao cấp cho một số đối tượng nhất định.
Tới đây, 7 cán bộ sẽ buộc phải trả lại nhà ở công vụ ở số 2 Hoàng Cầu.
Tới đây, 7 cán bộ sẽ buộc phải trả lại nhà ở công vụ ở số 2 Hoàng Cầu.

Cũng có ý kiến trong thường trực UB cho rằng việc cho thuê nhà công vụ hay thực chất là nhà nước hỗ trợ chỗ ở cho một số đối tượng đang công tác cần được tính toán cho phù hợp, có thể hỗ trợ bằng tiền để cán bộ tự o chỗ ở trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác. Mặt khác, chỉ duy trì hình thức nhà công vụ cho một số cán bộ cao cấp luân chuyển công tác và cán bộ, công chức, viên chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bỏ bao cấp về nhà ở công vụ, cần tính đúng, tính đủ các khoản tiền này vào lương để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, công khai.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh phân tích, cơ quan chức năng nói nhà công vụ, mục đích cuối cùng là để phục vụ con người. So chính sách với người nghèo, người lao động, cán bộ thì chủ trương chung là “cán bộ phải hơn với người lao động bình thường” nhưng bất cập vì giá cho thuê nhà đối với cán bộ quá ưu ái. Ông Vinh đặt lên bàn cân 2 vế: một gia đình công nhân phải thuê nhà 3 triệu đồng/tháng (căn nhà có điều kiện rất bình thường) trong khi cán bộ được điều động, chuyển địa bàn công tác thì chỉ phải thuê nhà “sang” hơn nhiều với giá vài trăm nghìn/tháng.

“Câu chuyện chưa có chế tài thu hồi nhà công vụ vừa qua cũng được dư luận phản ánh nhiều. Có cán bộ không chịu trả nhà với lý do viện dẫn “trả lại thì ở đâu”. Vậy trước đây, khi chưa được giao nhà thì ông ở đâu?  Rồi đủ cả trường hợp người được nhận nhà không ở mà để cho con cháu, người thân ở, thậm chí cho thuê làm văn phòng, công ty…” – ông Vinh bức xúc vì những “gương” cán bộ như vậy.

Từ đó, đại biểu đề nghị thiết kế chế tài và tiêu chuẩn nhà ở công vụ cụ thể trong luật Nhà ở lần này với từng chức danh như Bộ trưởng thì được thuê nhà thế nào hay cán bộ vụ/cục… được tiêu chuẩn bao nhiêu m2, giá thuê cụ thể.

Một hướng kiến nghị khác, ông Vinh cho rằng mỗi nhà khách UBND tỉnh nên làm thêm một dãy nhà công vụ để bố trí cho cán bộ được luân chuyển đến sử dụng, khi không có đối tượng nào phù hợp thì có thể cho thuê, khai thác, tránh tình trạng làm riêng một  khu nhà công vụ rồi để mốc meo, lãng phí vì không dùng đến.

Cán bộ cao cấp thuê ở nhà giá… bèo

Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ cho rằng, quy định trong dự thảo luật có mục đích hướng tới sự rõ ràng, minh bạch trong quản lý, sử dụng nhà công vụ nhưng vẫn chưa xác định quan điểm thống nhất, vẫn để người càng có chức vụ cao càng có lợi.

“Tại sao cán bộ trẻ, mới vào làm phải đi thuê nhà 4-5 triệu đồng/tháng trong khi người có chức vụ cao hơn, điều kiện chi trả tốt hơn lại chỉ phải thuê nhà giá vài trăm nghìn đồng mỗi tháng mà chỗ ở lại rộng rãi, thoải mái hơn nhiều, sau này thậm chí còn được bán hóa giá nữa. Ông Độ đề nghị hóa giá vào lương, không nên coi trọng việc đầu tư nhà công vụ mà phải bỏ dần để loại trừ bất bình đẳng, phân biệt đối xử trong xã hội. Nhà ở công vụ cũng đang bị lạm dụng, gây phát sinh nhiều tiêu cực.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông cảnh báo, kể cả khi không có chuyện nhà ở công vụ được sử dụng sai đối tượng thì giữ quan điểm này cũng vẫn dẫn duy trì hiện tượng đặc quyền đặc lợi. Ông Thông cũng ủng hộ hướng hạn chế xây nhà công vụ tiến tới không còn nhà công vụ nữa mà chi phí nhà ở được tính vào lương của cán bộ. Chỉ duy trì số lượng nhỏ nhà ở những khu vực đặc thù, có bảo vệ, đảm bảo an ninh đôi với một số yếu nhân đặc biệt mà cán bộ lãnh đạo đó cũng chỉ được dùng khi còn đương nhiệm, hết thời hạn phải trả lại, trở về nhà cũ của mình.

“Chỉnh lại quy định này để đỡ lình xình như vụ nhà công vụ số 2 Hoàng Cầu xảy ra thời gian qua” – ông Thông nói.
 
Tới đây, 7 cán bộ sẽ buộc phải trả lại nhà ở công vụ ở số 2 Hoàng Cầu.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại phiên họp thẩm tra dự luật Nhà ở tại UB Pháp luật của Quốc hội.

Đại biểu Ngô Văn Minh thì đề nghị xem lại khoản 4 Điều 30 dự thảo quy định ngân sách nhà nước cấp vốn mua nhà công vụ. Ông Minh làm phép tính, nếu lấy 250 tỷ  đồng đầu tư mỗi năm cho nhà công vụ đó để chi thành tiền phụ cấp cho cán bộ tự đi thuê mua nhà thì nhiều người chắc chắn “gật” ngay. Trong khi để có một căn hộ ở thành phố cho mỗi cán bộ, cần phải chi 2-2,5 tỷ đồng . So sánh với căn nhà chỉ 40-50 triệu đồng cho giáo viên ở vùng xa,  ông Minh nhận xét là quá… xót xa.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cốt lõi của vấn đề là giá thuê nhà công vụ gần như cho không. Ông Cương cho rằng: “Đằng thắng ra, một căn hộ chung cư cho cán bộ cấp trung, cao cấp thuê giá phải trên 10 triệu đồng/tháng nhưng thực tế cán bộ chỉ phải trả vài trăm nghìn đồng. Giá như thế, sinh viên cũng thuê được. Nhà công vụ đã đúng đối tượng, đúng điều kiện, chỉ còn 1 vấn đề nữa là chưa đúng giá”.

Ông Cương tán thành hướng định giá thuê nhà công vụ đúng giá thị trường, sau đó nhà nước hỗ trợ 50-70% giá thuê cho cán bộ có tiêu chuẩn, đương chức. Khi thôi công tác, cán bộ phải tự trả toàn bộ số tiền thuê nếu muốn tiếp tục ở đó.

“Như thế thì những căn hộ ở số 2 Hoàng Cầu, cán bộ nào nghỉ chắc chắn cũng tự trả nhà ngay nếu không muốn gánh mười mấy triệu tiền thuê nhà/tháng” – ông Cương phán đoán.

Trình bày thêm nội dung này trước cơ quan thẩm tra, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng xác nhận, vấn đề chính của nhà công vụ đúng là giá cho thuê. Tuy nhiên, ông Dũng phân tích, thực tế, để cán bộ với đồng lương hiện tại mà đi thuê nhà với giá thị trường thì không mấy người đủ khả năng. Vì vậy nhà nước cần thiết phải có sự hỗ trợ.

Các thắc mắc nằm ở việc mức hỗ trợ chưa đồng đều giữa các nhóm đối tượng. Bộ trưởng Xây dựng cho biết sẽ tiếp thu các góp ý để chỉnh lý dự thảo luật theo hướng nâng giá thuê nhà lên. Nhà công vụ cũng phải sử dụng đúng đối tượng, không chỉ là cho cán bộ trung – cao cấp mà cần mở rộng đến toàn bộ cán bộ công chức phải điều động công tác ở vùng sâu xa, chưa có điều kiện tạo lập ngay nhà ở cho bản thân, gia đình.

Khẳng định bản thân hiểu rõ những khó khăn về chỗ ở của cán bộ phải điều động công tác khi đã từng có thời gian dài ở nhà tập thể chỉ 16-18m2, Bộ trưởng Xây dựng nhận định, mở rộng hơn diện đối tượng được thuê ở nhà công vụ để tránh sự chênh lệch giữa nhóm được ưu đãi quá với những nhóm khác, chế độ hỗ trợ lại èo uột quá.

Ngoài ra, chính sách làm nhà ở xã hội để cho thuê (ít nhất 20% quỹ nhà ở xã hội được dành để cho thuê) cũng là một hướng hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

P.Thảo

Các bản tin khác:
» Đè bẹp Dortmund, Real rộng cửa bán kết
» Mátxcơva ngưng giảm giá khí đốt cho Ukraine, Nato tập trận sát Nga
» Tiết lộ gây sốc của những nữ "cửu vạn" hàng không
» Kiện “đường lưỡi bò”: Trung Quốc tố Philippines “hủy hoại” quan hệ song phương
» Dàn sao khủng bê tráp cho lễ ăn hỏi của Tuấn Hưng