Nguy cơ Hà Nội thua cả... 'đàn em'
Đã đến lúc HN "vội vàng lên với chứ" nếu không muốn sẽ bị tụt hậu trên nhiều bảng xếp hạng, ngay cả với các địa phương "đàn em".
Mới đây, VCCI đã tổ chức lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, trong khuôn khổ Dự án PCI do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ. Đây là bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và mức độ tạo thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh dành cho các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố ở nước ta.
Đáng chú ý, trong 5 thành phố trực thuộc TW, Đà Nẵng đã trở lại chiếm ngôi đầu, Cần Thơ xếp thứ 9, kế tiếp ngay sau đó là Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng xếp thứ 15 và Hà Nội chỉ xếp thứ 33.
Trong bộ chỉ số được dự án PCI điều tra, Hà Nội có tới 4 chỉ số dưới mức trung bình, nếu không muốn nói là tương đối thấp.
Cụ thể, chi phí không chính thức: 4,67 (trong khi TP HCM: 6,01; Đà Nẵng: 7,5; Hải Phòng: 5,44; Cần Thơ: 7,84), tính năng động: 3,69 (trong khi TP HCM: 4,65; Đà Nẵng: 7,72; Hải Phòng: 5,48; Cần Thơ: 6,46 ), thiết chế pháp lý: 3,92 (trong khi TP HCM: 4,95; Đà Nẵng: 6,6; Hải Phòng: 5,78; Cần Thơ: 5) cạnh tranh bình đẳng: 4,35 (trong khi: TP HCM: 5,4; Đà Nẵng: 5,82; Hải Phòng: 6,21; Cần Thơ: 7,64).
Nếu so với năm 2012, rõ ràng Hà Nội đã tiến gần 20 bậc trong bảng xếp hạng PCI, từ 51 lên 33, nhưng nếu so với tiềm năng và sứ mệnh của một thủ đô, thì chỉ số của Hà Nội rất đáng để suy ngẫm.
|
HN xếp thứ 33 trong bảng xếp hạng PCI 2013. Ảnh: vcci.com.vn
|
Chi phí không chính thức...
Một trong những yếu tố được nhóm nghiên cứu PCI đánh giá tương đối nhạy cảm và gây ảnh hưởng lớn tới thứ hạng chung của Hà Nội là chi phí không chính thức. "Chi phí không chính thức" đo lường các khoản phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả để thực hiện các thủ tục hành chính hoặc có được hợp đồng kinh doanh
Năm nay, chỉ số này tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, đặc biệt là các thành phố trực thuộc TW đều có những chuyển biến tích cực nhưng Hà Nội thì ngược lại, giảm 5 bậc, xếp thứ 61/63.
Kết quả điều tra cho thấy, 66,39% doanh nghiệp cho rằng "nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến"; 8,99% doanh nghiệp cho rằng họ phải chi hơn 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức; 66,91% các doanh nghiệp cùng ngành phải trả chi phí không chính thức. (Số liệu dẫn theo báo Thanh tra).
Từ lâu, như một luật bất thành văn, doanh nghiệp và người dân cứ vào cơ quan công quyền thì phải có "phong bì" mọi việc mới hanh thông được. Từ những việc nhỏ như đăng ký thành lập, thủ tục in hóa đơn, tham gia bảo hiểm xã hội đến các việc lớn như tiếp cận đất đai, đầu tư dự án..., đôi khi chỉ là nộp hồ sơ, công văn, đơn thư... thôi nhưng muốn được tiếp nhận (vì có tiếp nhận thì mới có giải quyết) vẫn phải làm thủ tục "đầu tiên". Hoặc ngay cả doanh nghiệp "xin chết" (giải thể) cũng phải có khoản chi phí này thì mới được "chôn".
Thực tế bây giờ, nếu gặp bất cứ khó khăn gì khi làm việc với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân thường liên tưởng ngay đến "phong bì". Có thể những người có trách nhiệm đang làm rất đúng bổn phận của mình, nhưng suy nghĩ "làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền" đã hằn sâu trong nếp nghĩ của người dân, khiến họ tìm đến chi phí "bôi trơn" như là một phương án tối ưu.
Những suy nghĩ, thói quen này có lẽ là tiền lệ cho chi phí không chính thức của Hà Nội nói riêng và nhiều nơi khác đang ngày càng tăng cao, khi đã được cả đôi bên ngầm hiểu rằng điều đó là "thủ tục" không thể thiếu.
|
So với tiềm năng của một thủ đô, chỉ số của HN rất đáng suy ngẫm
|
...Và năng lục cạnh tranh
Lương công chức thường bị cho là không đủ sống, nhưng nhiều người vẫn muốn "chạy chọt" vào nhà nước, có lẽ là vì một phần thu nhập "gia tăng" có nguồn gốc từ chi phí không chính thức như thế này. Còn doanh nghiệp, người dân, với tâm lý "đấu tranh thì tránh đâu", nên thường chấp nhận "phong bì" cho được việc, chỉ khi nào quá ngưỡng chịu đựng, họ mới la làng lên. Những người có trách nhiệm thì luôn đòi hỏi chứng cứ, nhưng thử hỏi có ai đưa/nhận loại chi phí này mà dám đòi biên nhận hoặc dám ký tá gì không.
Ở Hà Nội hiện nay đang có khoảng 90.000 doanh nghiệp và 10.000 đơn vị hành chính sự nghiệp (số liệu năm 2013). Với rất nhiều thủ tục hành chính và giả sử kèm mỗi thủ tục là một chi phí không chính thức, con số "đi đêm", nếu có thể thống kê được, chắc chắn sẽ không hề nhỏ chút nào.
Trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp giải thể tại Hà Nội 6 tháng đầu năm 2013 tăng gần 30%, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 9,5%, hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động và bỏ địa điểm kinh doanh. Liệu các chi phí không chính thức có góp một phần nào vào những con số khô khan kia không?
Dù chỉ là một trong 10 chỉ số để đánh giá PCI, nhưng có lẽ chi phí không chính thức là một chỉ số tương đối quan trọng, có liên quan mật thiết đến các chỉ số khác do tính nhạy cảm và chi phối của chỉ số này. Hiểu một cách đơn giản và phổ biến, doanh nghiệp hoàn toàn có thể dùng chi phí không chính thức để tác động đến quá trình gia nhâp thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, sự cạnh tranh bình đẳng...
Tham chiếu PCI của 5 thành phố trực thuộc TW thì thấy về cơ bản thành phố nào có chỉ số chi phí không chính thức cao thì xếp hạng năng lực cạnh tranh cũng cao (Đà Nẵng: 7,5, xếp thứ nhất, Cần Thơ: 7,84 xếp thứ 9, TP Hồ Chí Minh: 6,01 xếp thứ 10, Hải Phòng: 5,44 xếp thứ 15 và Hà Nội 4,67 xếp thứ 33).
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mới đây Chính phủ đã ban hành nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014.
Năm xưa Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long vì thành Đại La "ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi... là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời". Ngày nay, là đô thị loại đặc biệt được QH ban hành riêng Luật thủ đô để điều chỉnh, với diện tích hơn 3,3 ngàn km2, dân số gần 6,5 triệu người, tập trung hơn 70 trường đại học và học viện, hơn 20 trường cao đẳng, có 17 khu công nghiệp và khu công nghệ cao, là nơi đặt nhà máy của nhiều tập đoàn lớn, Hà Nội có đầy đủ cơ hội, tiềm năng để thu hút đầu tư, phát triển.
Để xứng đáng với tầm vóc và kỳ vọng, Hà Nội cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc mạnh mẽ thay đổi diện mạo hành chính bằng những quyết sách mang tính chiến lược và vì lợi ích lâu dài.
Những cuộc đại phẫu bao giờ cũng kèm theo mất mát, đau đớn, thậm chí là phải trả giá. Nhưng nếu không thực hiện thì khối u sẽ ngày càng phình to và ung nhọt có nguy cơ lây lan sang những phần đang khỏe mạnh khác của cơ thể.
Nhiều người thường đùa khi nói về các vấn đề của Hà Nội, rằng muốn nhanh phải từ từ, rằng Hà Nội không vội được đâu. Nhưng có lẽ đã đến lúc Hà Nội "nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ" nếu không muốn sẽ còn bị tụt hậu trên nhiều bảng xếp hạng không chỉ với các thành phố "ngang cơ" mà còn đối với các địa phương "đàn em" khác và với chính mình.
Nga Lê