Những cây cầu nhìn... sởn tóc gáy!
(Dân trí) - Những cây cầu treo này được xây dựng cách đây hơn chục năm, hiện đang xuống cấp rất nghiêm trọng: hầu hết mặt cầu và hệ thống dây cáp đã bị hư hỏng nặng; có cầu rệu rã, cũ nát như trong... phim kinh dị!
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 10 cây cầu treo ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh và Hướng Hóa. Phần lớn những cây cầu này phân bổ chủ yếu tại các địa bàn miền núi, địa hình phức tạp và hiện đang bị xuống cấp rất thê thảm. Có cầu chỉ còn lại dây cáp nối 2 đầu.
Cầu treo bắc qua bản Vây 2 bị hư hỏng nặng
Cây cầu treo bắc qua suối La La, thuộc bản Vây 2, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa đã bị hư hỏng nặng. Cầu được xây dựng khoảng năm 2002, với thiết kế chiều rộng chưa đầy 1 m. Mặt cầu giờ chỉ còn lại những thanh tre và bị rơi rụng gần hết, để lộ nhiều khoảng trống cả người lớn chui lọt. Hệ thống dây cáp cũng bị hoen gỉ không đảm bảo.
Thứ được gọi là "cầu" này khiến người lạ sởn tóc gáy!
Từ khi xây dựng, cây cầu đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của hơn 20 hộ dân bên kia suối. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí thấp nên cầu được dựng rất sơ sài. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã ngăn hai đầu cầu, nhằm tránh nguy hiểm xảy ra đối với con người và phương tiện khi qua cầu.
Trong khi chưa có phương án khắc phục, người dân buộc phải dựng tạm một cây cầu gỗ ở dưới suối để đi qua. Thế nhưng, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, còn về mùa mưa lũ thì hàng chục hộ dân bên kia sông bị rơi vào thế cô lập.
Anh Hồ Văn Thủy, cán bộ bản Vây 2 cho biết, từ khi có cây cầu này đã giúp cho bà con trong bản đi lại được thuận tiện hơn. Thế nhưng, năm 2012 cầu bắt đầu xuống cấp, mặt cầu bị hư hỏng nặng, dây cáp cũng bị hoen ghỉ và không đảm bảo an toàn nên bà con đi lại rất nguy hiểm. Đã có trường hợp người đi trên cầu bị trượt chân ngã nhưng may mắn bám được dây cáp nên không rơi xuống sông. Còn việc xe cộ qua lại cây cầu treo này bị rơi xuống sông cũng xảy ra thường xuyên.
“Hiện nay, bà con đã dựng tạm cây cầu gỗ để đi lại, nhưng đó là phương án vào mùa nước cạn. Còn về mùa mưa, lũ thì bà con phải đi bộ bằng đường rừng qua địa bàn khác để sang sông. Cầu bị hư hỏng cũng ảnh hưởng rất lớn tới việc đến trường của các em học sinh” – anh Thủy nói.
Xã Hướng Sơn là địa phương có số lượng cây cầu treo nhiều nhất của huyện Hướng Hóa. Hầu hết, 7 cây cầu treo tại địa phương này đều được xây dựng từ lâu và đang trong tình trạng xuống cấp nặng. Trong số đó, các cầu treo Làng Hồ 1, Làng Hồ, 2 Làng Hồ 3, Nguồn Rào,…bị hư hỏng hết và đã được thay thế bằng các cầu tràn xây bằng bê tong, cốt thép. Tuy nhiên, về mùa mưa lũ thì dường như việc đi lại của bà con tại những nơi này bị chia cắt hoàn toàn.
Nhiều cầu treo tại xã Hướng Sơn cũng bị hư hỏng nặng
Các cầu treo Bản Mới, Làng Cát, bản Pin… cũng phục vụ rất lớn nhu cầu qua lại của người dân, nhưng đã bị hư hại nghiêm trọng và chỉ còn lại hệ thống dây cáp trơ trọi.
Ông Hồ Đình Tào, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết, phần lớn người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn, địa hình cách trở. Đặc biệt, về mùa mưa, lũ, nước suối chia cắt nên người dân và các em học sinh không thể qua suối để đến trung tâm. Việc xây dựng cầu treo tại những nơi này đã giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, do thời gian các cầu này đã bị hư hỏng khá nhiều nhưng vẫn chưa có kinh phí để khắc phục.
“Ngoài 4 điểm từng có cầu treo bắc qua, được thay thế bằng cầu tràn bê tông, còn lại những điểm khác vẫn chưa có kinh phí để xây dựng lại. Địa phương đã tiến hành ngăn chặn hai đầu tại các cầu xuống cấp, gây nguy hiểm để đảm bảo tính mạng cho mọi người” – ông Tào cho biết.
Ngoài ra, tại Quảng Trị cũng có một số cầu treo khác như cầu treo Bến Tắt, huyện Gio Linh là di tích đặc biệt quốc gia, thuộc cụm di tích đường mòn Hồ Chí Minh. Cầu được xây dựng lại năm 2013, nhưng chỉ phục vụ tham quan du lịch. Cây cầu treo Cam Hiếu, huyện Cam Lộ cũng được xây dựng kiên cố nhưng cũng đang có dấu hiệu xuống cấp ở thành và mặt cầu.
Cầu treo Cam Hiếu cũng đang có dấu hiệu xuống cấp...
Gần đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở GTVT tiến hành rà soát và yêu cầu các địa phương kiểm tra cầu nào còn đủ điều kiện qua lại phải lắp đặt thanh ngang giới hạn chiều cao xe qua cầu, hàn khóa thanh ngang giới hạn chiều cao vào cột đứng hai bên cầu và lắp lại biển báo hạn chế tải trọng. Đối với các cầu treo bị hư hỏng nặng cần khẩn trương rào chắn, cấm người đi qua cầu để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
Đăng Đức