Bất cứ khi nào có một sự cố máy bay khó hiểu, các thuyết âm mưu lại rộ lên bởi sự thiếu thông tin, sự tò mò và trí tưởng tượng. Việc chuyến bay MH370 của Hàng không Malaysia mất tích bí hiểm là một trong số các sự kiện như thế.
Khi chuyến bay TWA 800 rơi khỏi bầu trời ngày 17/7/1996 ngay sau khi cất cánh từ sân bay JFK ở New York, nó đem theo sinh mạng của 230 người. Mọi nỗ lực tìm kiếm xác máy bay và điều tra nguyên nhân gặp khó khăn lớn do máy bay rơi xuống Đại Tây dương.
Một số chuyên gia khi đó đã nhanh chóng đưa ra giả thuyết rằng tên lửa đất đối không đã bắn hạ máy bay. Giả thuyết này dường như được củng cố bằng lời khai của nhân chứng tên là Naneen Levine. Bà ta cho biết đã tận mắt thấy một vật gì đó bay lên và đâm thẳng vào chiếc phi cơ xấu số. "Tôi nghĩ có gì đó từ dưới biển bay lên và lao vào máy bay".
|
Thân máy bay TWA 800 được dựng lại sau tai nạn. Ảnh: BI
|
Ba tháng sau vụ rơi của máy bay TWA, cựu phóng viên hãng tin ABC và từng là thư ký báo chí của tổng thống John Kennedy, ông Pierre Salinger, tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng chính hải quân Mỹ đã bắn hạ chiếc TWA 800 bằng tên lửa. Ông này đi đến kết luận như thế bởi có một tài liệu trên Internet nói thế.
Bob Francis, cựu phó chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), nhận xét về Salingger rằng: "Hắn là một thằng điên. ... Hắn chẳng biết đang nói gì và hoàn toàn vô trách nhiệm".
Sau bốn năm điều tra, NTSB kết luận chiếc máy bay rơi là do một vụ nổ ở thùng nhiên liệu ở cánh giữa, nguồn phát lửa là hỗn hợp nhiên liệu và khí bắt cháy trong thùng.
Năm 1999, chuyến bay của hãng hàng không EgyptAir Flight 990 rời sân bay JFK và sau đó lao xuống Đại Tây dương, làm chết 200 người.
Hai luồng giả thuyết về những gì đã xảy ra trên máy bay được nêu lên. NTSB, được cả thế giới coi là nhà điều tra giỏi giang nhất về các tai nạn máy bay, đưa ra kết luận sau 3 năm điều tra, rằng một trong hai viên phi công người Ai Cập là Gameel al-Batouti đã cố tình cho máy bay chìm xuống biển.
NTSB chỉ ra rằng đường đi xuống biển của máy bay không tương thích với mô hình trong trường hợp hỏng hóc kỹ thuật. Dựa trên thiết bị ghi âm buồng lái, Uỷ ban nhấn mạnh rằng al-Batouti đã liên tục lầm bầm "Ta phó thác cho thượng đế", và ông ta cũng không hề thấy ngạc nhiên khi chiếc máy bay đột ngột hạ độ cao.
Tại Ai Cập, quan điểm về vụ rơi máy bay này lại hoàn toàn khác. Giới chức Ai Cập cho rằng trục trặc kỹ thuật mới chính là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc trên đại dương.
Giả thuyết về các âm mưu xoay quanh chuyến bay TWA 800 dựa trên lời kể của các nhân chứng không đáng tin cậy và tin đồn trên mạng. Còn trong vụ EgyptAir 900, các quan chức Ai Cập không muốn chấp nhận việc một phi công tự sát và giết nhiều người khác. Họ muốn một kết luận khác với các chứng cứ ít chắc chắn hơn.
Trong vụ khủng bố với chuyến bay Pan Am 103 tai tiếng suốt nhiều thập kỷ, có một âm mưu cố tình gây nhiễu loạn thông tin.
Chuyến bay này nổ tung trên bầu trời Scotland ngày 21/12/1988 do bị cài bom, làm chết 270 người trên máy bay và một số người trên mặt đất.
|
Xác chiếc máy bay chuyến 103 Pan Am nằm trên địa phận làng Lockerbie, Scotland. Ảnh: britanica.
|
Juval Aviv, một người tự xưng là quan chức chống khủng bố của Israel, được Pan Am thuê điều tra xem những gì đã xảy ra. Trong báo cáo của mình, Aviv tuyên bố nắm trong tay bằng chứng cho thấy vụ nổ là hậu quả của một âm mưu bất thành của Cục tình báo trung ương Mỹ CIA. Giả thuyết của anh này không kèm được với bằng chứng đáng kể nào.
Tuy nhiên câu chuyện về giả thuyết này đã được tạp chí Time đăng tải lên trang nhất. Chính quyền Mỹ sau đó kết luận rằng vụ tấn công được chính quyền Libya ra lệnh và tổ chức. Điều này cuối cùng đã được chính người Libya thừa nhận.
Các vụ rơi máy bay TWA 800, EgyptAir 990 và Pan Am 103 cho chúng ta thấy rằng có thể có nhiều kịch bản dẫn đến số phận của chuyến bay Malaysia Airlines 370 hiện nay, bao gồm: trục trặc kỹ thuật, hành động của phi công và khủng bố. Những thông tin đồn đoán sẽ được dẹp sang một bên và sự thực sẽ hiện ra sau một quá trình dài điều tra công phu và nghiêm túc.
Ánh Dương (theo CNN)