- Chia sẻ với bài viết Công chức yếu, nhất thiết phải thải?, độc giả VietNamNet cho rằng nếu yếu thì lãnh đạo cũng thuộc diện cần tinh giản.
|
Đại biểu dự một hội thảo của Bộ Nội vụ - cơ quan soạn dự thảo nghị định về tinh giản biên chế đang được lấy ý kiến rộng rãi. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Độc giả Nguyễn Anh Dũng chỉ ra "điều quan trọng là có ai tự nhận mình là yếu và có ai dám đánh giá người khác là yếu không?" nếu lấy tiêu chuẩn chất lượng để xác định những đối tượng phải đưa ra khỏi bộ máy.
Độc giả Nguyễn Văn Pha cho rằng "không có thủ trưởng cơ quan nào dám công khai công nhận số lượng công chức yếu ở đơn vị mình vì sợ liên quan đến chính ông ta".
Do đó, độc giả Nguyễn Thạch Lam băn khoăn: "Lãnh đạo yếu thì làm sao mà biết được công chức yếu mà loại?".
Trong khi đó, độc giả Nguyen Duc khẳng định không có công chức yếu, "chỉ có lãnh đạo yếu dẫn đến công việc không hiệu quả, muốn sa thải thì nên sa thải lãnh đạo trước rồi mới đến nhân viên".
Vì vậy theo độc giả Phạm Thị Khoa, nếu không có tổ chức đánh giá độc lập, khách quan thì lại lao vào vòng luẩn quẩn thôi.
Còn theo độc giả Minh Tam, cứ áp dụng mô hình quản lý của doanh nghiệp vào là giải quyết được vấn đề.
"Ai làm việc hiệu quả cao thì đương nhiên lương thưởng, chế độ đãi ngộ cao, ngược lại ai làm không được thì buộc cho thôi việc để tuyển người có khả năng vào. Tất nhiên muốn thực hiện điều này thì vai trò của người đứng đầu là quan trọng nhất, cũng như giám đốc một doanh nghiệp", độc giả viết.
Độc giả An Duy đồng tình: Phải có người chịu trách nhiệm rõ ràng, như ông tướng cầm quân ra trận, nếu thua thì tướng tự xử còn thắng thì có vinh quang, đừng hô hào "cả hệ thống chính trị vào cuộc".
Và người đứng đầu đó phải "trách nhiệm, nhiệt tình, dũng cảm, nhất là không đề cao chú nghĩa cá nhân" như độc giả Phương nhận định, để sàng lọc bộ máy mình quản lý đảm bảo mục tiêu "gọn mà vẫn hiệu quả".
Cứ khoán tiền tự khắc ít người
Độc giả Pậm D nhấn mạnh đến giải pháp cải cách cơ chế quản lý. "Trước mắt nên khoán kinh phí, đồng thời giao chỉ tiêu tiết kiệm biên chế. Lâu dài thì nhiệm vụ nào kinh phí cố định nấy, sử dụng bao nhiêu biên chế là do người đứng đầu tự quyết, miễn sao hoàn thành nhiệm vụ", độc giả viết.
Độc giả Nguyễn Quang Trưng chia sẻ: Huyện có 300.000 dân, khoán cho UBND huyện một năm 20 tỷ đồng, chia nhau mà hưởng, ắt không nhận thêm người.
Độc giả Gop Y cũng hiến kế tinh giản biên chế mà không đụng chạm tâm tư, đời sống của công chức: Cơ quan có thẩm quyền định điều chỉnh giảm cơ quan X từ 10 người xuống 8 người thì cứ giao kinh phí theo biên chế 8 người. Ngân sách như vậy sẽ giảm gánh nặng, còn cơ quan X tự quyết có thải 2 người hay không, nếu giữ 10 người thì phải chia nhỏ lương thưởng.
Chung Hoàng