Nga và Nhật Bản tìm thấy mối dây liên hệ trước tình hình khó khăn chung của khu vực Châu Á - TBD, khi Trung Quốc ngày càng độc đoán trong tranh chấp biên giới với các nước láng giềng.
Tokyo sẽ đối đầu quân sự với Bắc Kinh?
Ngày 2/11, Nhật Bản và Nga đã tổ chức cuộc họp "2+2" đầu tiên tại Tokyo, với sự tham dự của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước để bàn thảo việc hợp tác an ninh giữa hai quốc gia. Cuộc họp đã nêu ra một vài vấn đề chung, nhưng chưa phải là cuộc họp thường xuyên được dành riêng cho các đồng minh thân cận, vốn chưa có tiền lệ trong lịch sử quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, Nga và Nhật Bản tìm thấy mối dây liên hệ trước tình hình khó khăn chung của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khi Trung Quốc ngày càng độc đoán trong tranh chấp biên giới với các nước láng giềng. Những thoả thuận mới giữa Nga và Nhật Bản không chỉ đánh dấu một bước đột phá trong quan hệ giữa hai nước, mà còn là sự thay đổi đáng kể về chính trị khu vực Đông Bắc Á.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại điện Kremlin, Moscow, ngày 29/4/2013. Ảnh: AP
|
Từ những năm 1950, liên minh giữa Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đã thống trị an ninh khu vực. Nga và Trung Quốc đã nối lại quan hệ vào những năm 1990 và ký kết hiệp ước hữu nghị năm 2001, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm gia tăng những căng thẳng trong khu vực và khiến Moscow lo ngại.
Nhật Bản có lý do chính đáng cho việc chuyển đổi mối quan hệ với Nga. Tokyo đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về một cuộc đối đầu quân sự với Bắc Kinh do các yêu sách của Trung Quốc tại quần đảo Sensaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Nhật Bản cũng không chắc chắn về sự hợp tác của đồng minh chiến lược Hoa Kỳ khi xảy ra sự cố quân sự lớn ở khu vực này.
Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng hùng hồn lên án Nhật Bản về những tội ác của Quân đội Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới. Giới chính trị Nhật Bản vẫn đồng thuận tránh đụng độ quân sự với Trung Quốc bằng mọi giá, tuy nhiên, nước này vẫn muốn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, đặc biệt khi mối quan hệ với Hàn Quốc vẫn căng thẳng vì những vấn đề lịch sử.
Vị thế của Nga có phần khác biệt. Tổng thống Putin đã tuyên bố Trung Quốc là đối tác chiến lược, và Moscow cương quyết từ chối thừa nhận bất kỳ thay đổi đáng kể nào với Bắc Kinh. Tuy nhiên, những động thái trong năm 2012 - 2013 cho thấy sự quan ngại của Nga về tham vọng dài hạn của Trung Quốc.
Mùa hè năm 2012, một tàu phá băng của Trung Quốc mang tên Snow Dragon đã thực hiện chuyến thám hiểm lịch sử đến Bắc Cực. Khi tàu này đi ngang qua biển Okhotsk, Nga đã thực hiện cuộc tập trận quân sự trong khu vực trùng khớp với lộ trình của tàu phá băng Trung Quốc. Khi tàu đi qua eo biển giữa đảo Sakhalin của Nga và Nhật Bản, quân đội Nga đột nhiên cho thử nghiệm tên lửa chống hạm ngay trên đảo Sakhalin.
Động thái thứ hai là vào tháng 7/2013, sự xuất hiện đầu tiên của tàu hải quân Trung Quốc trên vùng biển Okhotsk khiến Moscow đặc biệt lo ngại. Năm tàu chiến của Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận chung với hải quân Nga đã bất ngờ trở về cảng. Họ tuần tra phía nam của Sakhalin, qua quần đảo Kuril và đi một vòng xung quanh Nhật Bản. Tuyến đường này khiến cả Nga và Nhật Bản đều thiết lập báo động, mặc dù các tàu vẫn hoàn toàn đi trong vùng biển quốc tế và đi về phía bắc của các quần đảo đang tranh chấp.
Vài giờ sau khi tàu Trung Quốc di chuyển vào vùng biển Okhotsk, Bộ Quốc Phòng Nga đã huy động diễn tập lớn nhất trên đất liền và vùng biển quân sự phía Đông kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Ông Putin đã bay đến Chita, vùng biên giới đất liền của Nga và Trung Quốc, sau đó tới Sakhalin để đích thân chỉ đạo cuộc diễn tập.
Những động thái này dường như đã khiến Nga và Nhật Bản đẩy mạnh các nỗ lực giải quyết tranh chấp của họ. Sau chuyến đi của Snow Dragon, Moscow đã ủng hộ vị thế của Nhật Bản trong Hội đồng Bắc Cực, và cố ý phớt lờ nỗ lực lâu dài của Trung Quốc tại vị trí tương tự.
Không rõ ràng và khó đoán
Cuộc họp "2+2" là bước tiến tiếp theo cho cả hai nước. Những thoả thuận khác có thể diễn ra vào năm 2014, trong chuyến thăm dự kiến của ông Putin đến Nhật bản sau Thế vận hội mùa đông Sochi. Ông Putin cũng công khai ủng hộ Nhật Bản đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 2020, thậm chí hứa hẹn bỏ phiếu cho Nhật Bản vào Uỷ ban Olympic Quốc tế.
Trong khi đó, Tokyo đang phân tích tuyên bố của ông Putin xem có bất cứ dấu hiệu nào về việc Moscow sẽ giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở lãnh địa phía Bắc, đáp ứng các lợi ích của Nhật Bản. Ngoài ra, Tokyo cũng đưa ra những dấu hiệu cho thấy Nhật Bản sẽ sửa đổi những lập trường cứng nhắc để tiến xa hơn trong quan hệ với Nga.
Mặc dù hai nước đều thể hiện nỗ lực hoà giải, nhưng rất khó có thể dự tính mối quan hệ đối tác thực sự giữa Nga và Nhật Bản. Cả hai nước đều đang tìm cách để tăng cường vị trí của mình trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng không tạo ra các cam kết ràng buộc.
Nga đang nỗ lực khẳng định chủ quyền đối với thềm lục địa ở biển Okhotsk và Bắc Cực trước một loạt thăm dò của Trung Quốc vào khu vực này. Bắc Kinh đang sản xuất một con tàu tương tự với Snow Dragon và dự kiến hạ thuỷ vào năm 2014.
Trong khi đó, Nhật Bản chỉ đơn giản gia tăng quan hệ hữu nghị và thân thiện ở Đông Bắc Á để bổ sung cho liên minh với Hoa Kỳ, ngay cả khi Nga sẽ chỉ dự bị trong trường hợp nổ ra cuộc đụng độ trên quần đảo đang tranh chấp Sensaku/Điếu Ngư.
Cả Nga và Nhật Bản đều không muốn chấp nhận những rủi ro mới. Việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản sẽ thúc đẩy hàng hải của Nga và giảm thiệt hại của cả hai bên khi Trung Quốc đang nỗ lực bành trướng sang cả hai nước. Nhưng do sự phức tạp khi cân bằng giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, cả Nga và Nhật Bản đều gặp khó khăn trong việc theo đuổi một chiến lược phù hợp.
Một phần chiến lược đối ngoại của Nga là sự không nhất quán, đặc biệt dưới thời của ông Putin. Moscow luôn muốn đối tác của họ không hiểu rõ về ý định của mình. Có thể lấy ví dụ, Điện Kremlin đề nghị cuộc họp "2+2" nhưng sau đó lại yêu cầu Tokyo đưa ra yêu cầu chính thức để giảm thiểu bất kỳ phản ứng nào từ Bắc Kinh.
Nga vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi tuyên bố vững chắc của họ về mối quan hệ với Trung Quốc. Trong các cuộc thảo luận với Nhật Bản, Nga đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mời Trung Quốc tham gia vào bất cứ cuộc tập trận nào trong khu vực sẽ không nằm trong các thoả thuận mới giữa Nga - Nhật.
Nga cũng duy trì trạng thái quân sự quyết đoán của mình đối với Nhật Bản, và thường xuyên cử máy bay đến gần không phận Nhật Bản. Sự xuất hiện của các lực lượng này là tín hiệu hữu ích đối với Hoa Kỳ, cũng như Trung Quốc, rằng Nga vẫn can thiệp vào khu vực này và sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ, ngay cả khi Moscow và Tokyo trở nên gắn bó hơn.
Các liên minh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thể thay đổi, nhưng các mối quan hệ trong khu vực thời gian tới sẽ vẫn không rõ ràng và khó đoán trước.
Tiến trình quan hệ hai nước
Nga và Nhật Bản vốn không phải là đối tác an ninh từ trước. Trong thế kỷ 20, họ đã có hai cuộc chiến tranh, lần đầu tiên vào năm 1904-1905 khi Nhật xâm chiếm lãnh thổ của Nga và lần thứ hai vào năm 1945, Nga chiếm giữ lãnh thổ của Nhật. Trong những thập kỷ sau, hai nước đều giữ khoảng cách ngoại giao, dù hoạt động thương mại giữa hai nước nở rộ trong những năm 2000.
Mặc dù giữa hai nước đã có nhiều cố gắng để cải thiện quan hệ song phương, nhưng phần lớn không thành công. Có thể kể đến những nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Tokyo gọi là "vùng lãnh thổ phía Bắc" của họ, bao gồm: ba hòn đảo - Etorofu (Nga gọi là Iturup), Kunashiri, Shikotan và - và một nhóm các đảo nhỏ, đảo Habomais, mà Liên Xô chiếm của Nhật Bản từ năm 1945.
Các đảo tranh chấp nằm ở mũi phía nam của quần đảo Kuril, kéo dài từ lãnh thổ phía bắc Hokkaido của Nhật Bản đến bán đảo Kamchatka của Nga. Tranh chấp là một trong những lý do chính mà Nga và Nhật Bản đã không thể đi đến một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Thế chiến II sau 75 năm.
Trong những năm 1990, tổng thống Nga Boris Yeltsin đã hứa hẹn giải quyết vấn đề giữa hai nước và ký kết hiệp ước hoà bình, nhưng cũng thất bại. Trong thời gian nắm quyền song song giữa Vladimir Putin và Dmitry Medvedev, Nga đã phát đi những tín hiệu sẵn sàng đàm phán trong năm 2009, nhưng đà tích cực dừng lại khi Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso khẳng định trong một một cuộc họp báo rằng Nga đã chiếm đóng bất hợp pháp các đảo trong năm 1945.
Đến năm 2010, bất chấp chuyến thăm Tokyo của thủ tướng Putin, quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng khi Tổng thống Medvedev thực hiện chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo đất nước đến quần đảo tranh chấp (chuyến thăm rầm rộ công khai có nhiều ảnh chụp "cá nhân" tại một số điểm tham quan ven biển).
Trong năm 2011, Nga thực hiện một loạt các cuộc tập trận trên và xung quanh các hòn đảo và tuyên bố tăng cường triển khai quân sự. Quan hệ song phương dường như trở nên bế tắc. Tuy nhiên, ngay sau khi tái đắc cử Tổng thống tháng 9 năm 2011, ông Putin đã đề cập một loạt các cuộc họp với quan chức cấp cao của Nhật Bản, thể hiện nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.
Ông Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp gỡ nhiều lần sau đó, trong mối quan hệ được mô tả là ngày càng "ấm áp và thân thiện". Tháng 4 vừa qua, ông Abe đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản đến Moscow trong vòng một thập kỷ qua.
|
Như Nguyệt (theo Foreign Affairs)