(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội không ủng hộ đặt tên hai quận mới của Hà Nội là Bắc - Nam Từ Liêm. Phần lớn nghiêng về phương án đặt tên cho quận phía Bắc là Từ Liêm, quận còn lại là Mỹ Đình.
“Cá nhân tôi không ủng hộ việc lấy tên cả hai quận mới là Bắc - Nam Từ Liêm. Nói về bản chất, lịch sử thì có thể vẫn giữ tên Từ Liêm nhưng chỉ đặt cho một quận là hợp lý, quận còn lại nên tìm một phương án khác”, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh (huyện Từ Liêm) nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh việc đặt tên quận, phường phải xem xét những cái tên gắn liền với địa danh, lịch sử có từ bao giờ để người dân cảm thấy không bị mất nguồn gốc vì vậy không nên đặt cái tên quá xa lạ. Những gì liên quan đến tên lịch sử của làng, xã cần phải giữ lại.
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh trao đổi về việc đặt tên cho hai quận mới
Ý tưởng đặt tên Thăng Long cho một quận mới của Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho biết, cái tên này có tầm quá lớn không phù hợp cho cấp quận và làm như vậy là hạ thấp tầm của cái tên Thăng Long.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh cho rằng, một quận tên là Từ Liêm, quận còn lại là Mỹ Đình là phù hợp. “Đến thời điểm này, cá nhân tôi chưa nghĩ ra cái tên nào hợp lý hơn Mỹ Đình. Cái tên Mỹ Đình rất gần gũi với người dân Hà Nội cũng như cả nước. Nói đến Mỹ Đình người ta nghĩ ngay đến sân vận động Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia - điều này rất tốt”, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh phân tích.
Khi lấy tên Mỹ Đình đặt cho một quận, đại biểu Quỳnh Anh cũng lường trước một số người dân không đồng thuận vì nó chỉ mang dáng dấp một xã. Thế nhưng Mỹ Đình là cái tên điển hình nhất của khu vực đó.
Đại biểu Nguyễn Quốc Cường (huyện Từ Liêm) cũng đưa ra phương án nên chọn một cái tên đem lại nhiều ý nghĩa khác thay cho việc lấy tên là Bắc - Nam Từ Liêm như đề án đưa ra. “Đúng là tên hai quận Bắc - Nam mà trùng nhau như vậy thì rất dễ nhầm lẫn. Theo tôi ngoài phương án đặt tên hai quận mới là Bắc - Nam Từ Liêm thì cần phải có thêm phương án khác cho người dân lựa chọn”, đại biểu Cường nói.
Người dân Từ Liêm đồng thuận với việc tách huyện nhưng chưa thống nhất với tên của hai quận mới
Theo đại biểu Cường, tên Từ Liêm khởi nguồn ở khu vực Chèm, do vậy đặt cho một quận ở phía Bắc là hợp lý nhất. Còn quận phía Nam nếu lựa chọn tên Thăng Long phải cân nhắc thật kỹ vì nó là tên của cố đô xưa.
“Theo tôi Mỹ Đình là lựa chọn tương đối tốt. Còn nhiều ý kiến cho rằng Mỹ Đình chỉ là cái tên xã thì phải xem lại vì nhiều tỉnh thành cũng lấy tên một địa danh nổi tiếng”, đại biểu Nguyễn Quốc Cương cho biết.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Đăng Long - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - cho biết, việc thành lập quận mới, vấn đề người dân phản ánh, quan tâm nhất là tên gọi. Có người nói nên để tên Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm, rồi luồng ý kiến khác là Mỹ Đình - Từ Liêm… Và xu hướng được lựa chọn đang là cái tên Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm, trên cơ sở chia tách từ trục đường 32.
“Việc lựa chọn này có nguyên nhân rất quan trọng, đó là ý chí nguyện vọng của nhân dân. Tâm lý của người dân rất gắn bó với cái tên hiện nay, nên muốn giữ tên gọi truyền thống. Nếu một quận giữ tên cũ, quận khác mang tên mới thì người dân sẽ không tán thành”, ông Long nói.
Tuy nhiên, ông Long cũng nêu ra việc rút kinh nghiệm đặt tên cho sân vận động Mỹ Đình từ nhiều năm trước. Khi đưa tên gọi Mỹ Đình cũng có rất nhiều ý kiến phản ứng, cho rằng không thể lấy tên của một xã để đặt tên cho một sân vận động tầm cỡ Quốc gia.
“Nhưng tại sao cuối cùng lại giữ tên Mỹ Đình. Bởi khi đặt tên, chúng ta thường ưu tiên số 1 là đặt tên cho địa danh. Mặt khác người dân ở đó đã hi sinh cả phần diện tích đất lớn như vậy và mong muốn được giữ lại một cái tên. Còn nếu muốn sân vận động quy mô thì có thể thêm chữ Quốc gia vào, kiểu như Trung tâm Thể dục thể thao Quốc gia Nhổn. Từ đó chúng ta đã quyết định lấy tên gọi là sân vận động Quốc gia Mỹ Đình”, ông Long lý giải.
Đối với cái tên Từ Liêm, theo ông Long người dân trong vùng ai cũng muốn giữ, việc này cũng rất phù hợp. Tới đây HĐND huyện Từ Liêm sẽ họp, ra nghị quyết chính thức về vấn đề này.
Quang Phong