Liệu sau Hoa Đông, Trung Quốc có thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ - Air defense identification zone) tương tự tại biển Đông?
Hai tranh chấp luôn song hành
Có một đặc điểm cần phải lưu ý khi quan sát diễn biến chính trị nội bộ của các cường quốc, nhất là cường quốc mới nổi. Đó là một khi đã giải quyết ổn thỏa những vấn đề nội bộ, họ sẽ có xu hướng quay trở lại những vấn đề quốc tế được coi là quan trọng.
Hội nghị Trung ương 3 kết thúc cũng là khi Trung Quốc đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình cải cách được coi là lớn nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Và bây giờ là thời điểm quay trở lại với các tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là tại Hoa Đông và biển Đông.
Trung Quốc và Nhật Bản có thể được coi là hai "đối thủ" không đội trời chung, và điều này có xuất phát điểm rất lớn từ lịch sử. Nước Nhật phát xít trước kia đã từng tiến hành cuộc xâm lược tàn bạo vào Trung Quốc và làm thiệt mạng hàng triệu người. Với một dân tộc luôn tự hào về lịch sử và về "vương đạo" hàng ngàn năm như TQ, điều này là một "nỗi nhục" lớn.
Không ngạc nhiên khi các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản lại được xem là mối nguy hại an ninh chủ yếu của Bắc Kinh.
Có thể thấy các tranh chấp tại biển Đông và biển Hoa Đông luôn luôn song hành với nhau. Chiến lược phát triển của Trung Quốc, nếu muốn trở thành một cường quốc thực sự, phải hướng ra biển.
Trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản đã là những thế lực hàng hải đáng sợ tại Châu Á - Thái Bình Dương, thì việc chọn cách tiếp cận như thế nào và hướng tiếp cận ra sao trong từng thời điểm sẽ là nhân tố quyết định cho thắng lợi cho chiến lược biển của Trung Quốc.
|
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Ít khi "tấn công" cả hai mặt trận
Gây căng thẳng với các nước ASEAN hay leo thang căng thẳng với Nhật Bản chính là những bước đi cần phải được tính toán kỹ càng. Tuy nhiên, nếu theo dõi các hành vi của Bắc Kinh từ năm 2009 tới nay, chúng ta sẽ nhận ra, hiếm khi nào Trung Quốc đồng thời "tấn công" ở cả hai mặt trận.
Một phép thử chỉ thật sự an toàn chỉ khi chọn đúng thời điểm và đặt vào đúng mục tiêu chiến lược nhất định.
Nếu kết hợp giữa hai đặc điểm đã nêu ở trên thì có thể thấy, ngay sau khi giải quyết ổn thỏa vấn đề nội bộ, Trung Quốc thường chọn Hoa Đông làm mục tiêu "quay trở lại" vũ đài quốc tế trước tiên.
Trường hợp tương tự xảy ra sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII kết thúc vào năm 2012 vừa qua, khi ngay lập tức Hoa Đông dậy sóng. Với cách gây áp lực xen kẽ như vậy lên các khu vực tranh chấp, Bắc Kinh luôn luôn có cơ hội gây sức ép và khẳng định được chủ quyền của mình tại những khu vực đó.
Mô thức chính sách có thể là tương đồng tại mỗi khu vực, tuy nhiên cách tiếp cận không thể giống nhau. Nhật Bản và ASEAN là hai chủ thể hoàn toàn khác biệt. ADIZ có thể được Trung Quốc áp dụng tại Hoa Đông, nhưng chưa chắc tại biển Đông.
Nhật Bản là cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương. Không quân và hải quân Nhật Bản cũng được đánh giá là có sức mạnh thuộc hàng "top" của thế giới. Một phép thử phù hợp cần có phương pháp tiếp cận phù hợp.
Thiết lập ADIZ là chiến thuật hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hầu hết các vũ khí hiện đại nhất, từ máy bay tới tàu chiến của Trung Quốc đều được đặt tại các quân khu ven biển nhằm đối phó với Tokyo. Đẩy căng thẳng tới một mức độ cao bằng cách sử dụng không quân, và sắp tới là các phương tiện không người lái (UAV), sẽ được coi là cách tiếp cận chủ yếu của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp Hoa Đông. Bắc Kinh coi Tokyo là đối thủ địa chiến lược đáng gờm nhất.
Khác với Nhật Bản, ASEAN chỉ là một chủ thể đa quốc gia lỏng lẻo về mặt lợi ích. Một số nước vướng vào tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc như Việt Nam hay Philippines có một lực lượng không quân và hải quân kém xa người láng giềng phía Bắc.
Đó là chưa kể, từ năm 2009 tới nay, Trung Quốc hầu như áp đảo hoàn toàn tại khu vực thông qua chiến lược "cải bắp". Liệu quân đội Trung Quốc có cần phải sử dụng đến máy bay của mình để thiết lập ADIZ tại biển Đông hay không, trong khi chệnh lệch quyền lực cứng quá lớn giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như chiến lược "cải bắp" hầu như đã phát huy đầy đủ sự hữu ích của nó.
Rõ ràng biển Đông có khả năng là mục tiêu căng thẳng tiếp theo, ngay sau khi Hoa Đông "dậy sóng". Tuy nhiên, sẽ không nhất thiết là một ADIZ tốn kém, mà chỉ cần lực lượng các tàu hải giám, ngư chính đã là đủ để Trung Quốc "tung hoành" tại biển Đông.
Không nói đâu xa, mới đây Mạng Hải quân Trung Quốc đưa tin một nhóm tàu chiến đấu gồm tàu sân bay Liêu Ninh cùng với tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương, Thạch Gia Trang, tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài và Duy Phương đã rời Thanh Đảo vào sáng ngày 26/11 để đến khu vực biển Đông nhằm triển khai hoạt động nghiên cứu thử nghiệm và huấn luyện quân sự.
Như vậy, chỉ cần Liêu Ninh đã là một thách thức lớn cho một ASEAN đang cố gắng đoàn kết. Còn với một ASEAN chia năm sẽ bảy thì đó sẽ là một thách thức rất khó vượt qua.
Nguyễn Thế Phương