Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Tham gia giải trình thêm về đóng góp của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, Bộ đang xây dựng quyển sách trắng hàng năm về hoạt động khoa học công nghệ. “Chúng tôi dự kiến kỳ họp này sẽ gửi tặng các đại biểu Quốc hội nhưng không kịp xuất bản. Kỳ họp sau xin hứa tặng cácvị đại biểu Quốc hội cuốn sách trắng hoạt động khoa học công nghệ năm 2013 trong đó có đầy đủ thông tin hơn”, Bộ trưởng nói.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trong nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 xác định tới năm 2020, khi Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, khoa học công nghệ sẽ nằm trong tốp các nước dẫn đầu của khu vực ASEAN.
“Chúng ta còn có rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua, bởi các nước cũng không dừng lại để cho chúng ta có thể dễ dàng vượt lên, nhưng chúng tôi thấy hoàn toàn khả thi. Được sự quan tâm lớn của Đảng, nhà nước và Quốc hội, đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam thực sự có tiềm năng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Quân, cho đến thời điểm này, một số lĩnh vực Việt Nam đã ở vị trí dẫn đầu trong khu vực như sản xuất lúa gạo, sản xuất cà phê, sản xuất cao su, thủy sản, cá da trơn, trong công nghiệp cơ khí siêu trường, siêu trọng, trong công nghiệp phần mềm thì có nhiều sản phẩm có vị trí hàng đầu trong khu vực.
“Mặt bằng chung thì chúng ta còn nhiều yếu kém, đặc biệt là công bố quốc tế và sáng chế của Việt Nam còn rất ít so với các nước khác. Tuy nhiên, với hướng đầu tư và với việc thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ mà Thủ tướng phê duyệt, chúng tôi có thể yên tâm tới năm 2020 khoa học công nghệ có được vị trí cao hơn so với vị trí hiện nay, còn có thể nằm trong top 3 - 4 trong khu vực”, Bộ trưởng nói thêm.
Dù vậy, Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực nhiều bởi vượt qua được Indonesia, Philipin, Thái Lan là bài toán không đơn giản.
Trước báo cáo này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Đồng chí nói khoa học công nghệ sẽ đứng ở top cao, vậy có thể trả lời câu hỏi, 5 năm nữa chúng ta có sánh được với Thái Lan không?”.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta còn thua kém Thái Lan một số mặt, nhưng có một số yếu tố tiềm ẩn có thể cạnh tranh được. Riêng về khâu giống, giống cây, giống con có thể nói là có trình độ không thua kém Thái Lan. Thực tiễn canh tác, gieo trồng, năng suất lúa của Việt Nam đã cao hơn năng suất lúa của các nước khác, kể cả Thái Lan.
“Tuy nhiên, chúng ta thua kém nhiều nhất là khâu bảo quản chế biến sau thu hoạch. Vì thế, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã xác định từ nay đến 2020 phải tập trung vào khâu phòng trừ dịch bệnh, nâng cao chất lượng của lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời phải có hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch tiên tiến”.
Được biết, trong lĩnh vực bảo quản, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư chuyển giao công nghệ của Nhật Bản và đang nghiên cứu để có thể đưa ra hệ thống bảo quản phục vụ cho bảo quản hải sản, đánh bắt xa bờ. Nếu làm tốt điều này, hải sản của Việt Nam có thể xuất khẩu trực tiếp ở quy mô công nghiệp.
Bộ trưởng Quân dẫn chứng, “công nghệ của Nhật Bản có thể bảo quản hải sản tới 7 - 8 năm, thậm chí là 10 năm mà chất lượng vẫn như là vừa đánh bắt. Nếu làm chủ được công nghệ này và mở rộng ra quy mô công nghiệp thì chúng ta có thể cạnh tranh được với Thái Lan về nông nghiệp”, Bộ trưởng Quân trả lời Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng.
Nguyễn Hiền