Hỗ trợ trực tuyến
Kinh doanh 1
0985525773
Kinh doanh 2
0983505352
Kinh doanh 3
0986438532
Kinh doanh 4
0986204553
Thống kê truy cập
2.777.214
Hội đồng thẩm phán thống nhất tuyên hủy việc kết tội ông Chấn
(Dân trí) –Trao đổi với PV Dân trí ngay khi kết thúc phiên xử vào cuối giờ chiều nay (6/11), lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết Hội đồng thẩm phán đã thống nhất tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết tội ông Chấn là giết người với mức án chung thân.
Theo đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đồng ý với quyết định tái thẩm của VKSND Tối cao, đồng thời thống nhất tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án ông Chấn bị tuyên phạm tội giết người, nhận án tù chung thân. Kết quả này đồng nghĩa với việc ông Chấn sẽ chính thức trở thành người vô tội sau 10 năm ở chốn lao tù khi có quyết định và bản án cuối cùng của tòa án trong thời gian tới.
 
Được biết, 14h chiều nay (06/11), tại trụ sở TAND Tối cao số 48 Lý Thường Kiệt, TP Hà Nội, Hội đồng thẩm phán bắt đầu phiên xét xử theo thủ tục tái thẩm để xem xét việc hủy hai bản án tuyên phạt chung thân đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh “Giết người”.
 
Phiên xét xử tái thẩm vụ án “Giết người” xảy ra ngày 15/8/2003 mà nạn nhân Nguyễn Thị Hoan tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được chính thức mở ra để xem xét việc đề nghị huỷ 2 bản án đã tuyên phạt chung thân đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, quê ở Hiệp Hoà - Bắc Giang.

Theo đó, sẽ có 15 thành viên của Hội đồng thẩm phán tại phiên xử này gồm: Chánh án, Phó Chánh án Toà Hình sự và một số thẩm phán do Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao cùng đại diện đến từ Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Phiên tái thẩm này được mở theo kháng nghị ngày 4/11 của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí đăng tải, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có ý kiến yêu cầu thủ trưởng các cơ quan tố tụng chỉ đạo giải quyết vụ việc  theo đúng qui định pháp luật; khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp đối với “người tù oan”. VKSND Tối cao cũng đã báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc giải quyết vụ án theo trình tự tái thẩm và đã được sự đồng ý.

Trước đó, ngày 15/8/2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng khiến chị Nguyễn Thị Hoan bị tử vong. Ngày 29/8/2003, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, khởi tố bị can với tội Giết người.

 

Trụ sở TAND Tối cao, nơi đang diễn ra phiên xét xử Tái thẩm của Hội đồng thẩm phán
Trụ sở TAND Tối cao, nơi đang diễn ra phiên xét xử Tái thẩm của Hội đồng thẩm phán

Sau phiên tòa sơ thẩm, TAND tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm được xét xử vào ngày 27/7/2004, để xem xét đơn chống án kêu oan của ông Chấn. Cấp phúc thẩm xác định, khoảng 22 giờ ngày 15/8/2003, nghe tiếng trẻ con khóc trong nhà chị Hoan, mẹ chị sang thì phát hiện xác con gái với nhiều vết đâm trên người. Chứng cứ tại hiện trường thu thập được, trên nền nhà có nhiều vết chân trần dính máu.... Sau khi xác định kích thước vết chân của Nguyễn Thanh Chấn, cơ quan điều tra xác định “Bàn chân trái của Chấn gần đúng với vết chân bỏ lại hiện trường”.

Theo bản án phúc thẩm thì ông Chấn đã khai trước cơ quan điều tra rằng gia đình có một quán bán tạp hóa ở cạnh sân vận động thôn Me. Khoảng 19h ngày 15/8/2003, vợ Chấn bảo ông đi lấy nước ở nhà chị Viễn cuối sân bóng. Khi ngang qua nhà chị Hoan, trông thấy cửa sau mở, Chấn nảy ý định vào để sàm sỡ. Nhưng  chị Hoan đã đập vỡ vỏ chai bia để chống cự. Sau đó Chấn lao vào quật ngã chị Hoan, rồi rút con dao bấm ra đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong.

Căn cứ vào các chứng cứ, hung khí tại hiện trường, nhận thấy Chấn đã nhận dạng được các hung khí gây án, phiên tòa phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo, y án sơ thẩm với ông Chấn về tội giết người. Áp dụng hình phạt chung thân đối với Nguyễn Thanh Chấn.

Ở trong tù, ông Chấn đã gửi đơn kêu oan đi nhiều nơi, còn chị Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn cũng liên tục gửi đơn để đòi sự trong sạch cho chồng. Trong quá trình tìm hiểu, bà Chiến đã tình cờ phát hiện ra đối tượng Lý Nguyễn Chung, từng trú cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung mới là hung thủ của vụ án. Từ ngày xảy ra vụ án mạng, Trung đã rời khỏi địa phương. Biết được sự việc, khoảng 4 tháng trước, bà Chiến đã viết đơn trình bày sự việc gửi cho VKSND Tối cao.

Ngay sau khi nhận được đơn, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tổ chức 3 đoàn đi xác minh, lần theo chỗ ở đối tượng Trung sinh sống. Qua kết quả điều tra xác định hung thủ thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung (1988) quê Nhượng Ban - Lộc Bình - Lạng Sơn, hiện đang đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở tại thôn Đoàn Kết, xã EaKa Mút, huyện EaKar, tỉnh Đắc Lắc. Trong quá trình lẩn trốn, Chung đã liên tục thay đổi số điện thoại và liên tục thay đổi chỗ ở, từ Đắk Lắk, Quảng Ninh, Trung Quốc…

Sau đó, nhờ sự vận động, thuyết phục của người thân, cuối cùng đối tượng Chung đã chấp nhận ra đầu thú và thừa nhận hành vi giết người của mình.

Sau đó đối tượng Chung cũng bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Ông Lý Văn Chúc là bố của Chung (1950) cũng bị bắt và tạm giữ hình sự đối với hành vi đe doạ giết bà Nguyễn Thị Lành (nhân chứng vụ án).
 
Đến 17h chiều nay, ngay khi phiên xử tái thẩm kết thúc, rất nhiều phóng viên báo đài đã đứng chờ trước trụ sở tòa án nhân dân tối cao để liên hệ cung cấp thông tin. Tuy nhiên, thông tin từ văn phòng TAND Tối cao cho biết, tòa dự kiến sẽ cung cấp thông tin chính thức về phiên xử vào ngày hôm sau.  

Quốc Cường - Xuân Thái

Các bản tin khác:
» Đề nghị Cục điều tra vào cuộc kỳ án oan khuất của gia đình liệt sỹ
» Nỗi day dứt đau lòng của Chủ tịch Trương Tấn Sang
» Hoàng Yến: 'Trước tai nạn, tôi có uống vài chai bia'
» Sài Gòn mưa lớn, đường biến thành sông
» ‘Còn bức cung, còn oan sai’