Tôi nghĩ rằng nếu cảnh sát giao thông cư xử đúng điều lệ ngành thì sẽ không có người dân nào gân cổ lên "sao mày không chào tao?".
Đọc xong bài viết “CSGT chỉ chào những người lịch sự khi xử lý vi phạm”, tôi cảm thấy khó hiểu về cách trả lời của đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT).
Về quy trình "CSGT phải chào người vi phạm" khi làm việc, đại tá Tuấn cho rằng không phải lúc nào cũng cần thiết: “CSGT chỉ chào hỏi với người lịch sự. Còn với những người vừa dừng xe đã hỏi 'sao mày không chào tao' thì cảnh sát không cần phải chào".
Tôi xin hỏi ông Tuấn thế nào là lịch sự? Thế nào là người tham gia giao thông lịch sự và thế nào là một cảnh sát giao thông lịch sự?
Một cảnh sát giao thông lịch sự là một cảnh sát yêu cầu người tham gia giao thông dừng lại xuất trình giấy tờ xe mà trước đó không chào hỏi vì cho rằng người này không lịch sự? Vậy phép lịch sự tối thiểu của người cảnh sát đâu, lấy gì ra để làm mẫu mực cho dân?
Thêm một vấn đề nữa mà đại tá Phạm Minh Tuấn nói: "CSGT chỉ chào hỏi với người lịch sự", vậy thì những người mà cảnh sát giao thông không chào bị coi là những người tham gia giao thông không lịch sự?
Tôi không nói là tất cả những người tham gia giao thông đều lịch sự (còn rất nhiều người tham gia giao thông thiếu ý thức), nhưng tôi dám chắc chắn rằng không phải không có những cảnh sát giao thông không lịch sự.
Đối với một người dân bình thường khi giao tiếp với một người lạ, câu đầu tiên người ta thường nói là "chào bạn, bạn có thể giúp tôi ..." hoặc là " chào bạn, tôi tên là ... đến từ ... và hiện tôi đang tìm kiếm ...".
Còn đối với một người cảnh sát giao thông thì ít nhất cũng phải chào và nói như sau: "Xin chào anh/chị, tôi là… hiện đang làm nhiệm vụ tại khu vực này và tôi phát hiện anh/chị điều khiển giao thông với biểu hiện nghi vấn xyz. Tôi yêu cầu anh/chị xuất trình giấy phép lái xe và giấy tờ xe để chúng tôi kiểm tra".
Chỉ cần như vậy thôi, thử hỏi còn ai gân cổ lên hỏi các cảnh sát "sao mày không chào tao?". Mọi công dân đều bình đẳng như nhau, đều sống và làm việc theo pháp luật, ai vi phạm sẽ bị xử lý. Công an cũng vậy, không những làm việc theo pháp luật mà còn phải làm gương cho nhân dân, ngoài ra công an cũng phải thực hiện theo đúng điều lệ ngành.
Như tôi được biết, theo thông tư số 17/2012/TT-BCA “Quy định về điều lệnh nội vụ Công an Nhân dân” ở chương 2, điều 4, khoản 6 ghi: Nêu cao ý thức trách nhiệm vì nhân dân phục vụ, tôn trọng, lễ phép với nhân dân, bảo vệ, giúp đỡ và lắng nghe ý kiến của nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Còn ở chương 6, điều 36, khoản 2, điểm b ghi: Chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời: Gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội; Gặp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân, các đồng chí trong lực lượng Quân đội nhân dân đến thăm, làm việc; Gặp để giải quyết công việc với nhân dân, với người nước ngoài.
Chương 6, điều 40, khoản 1 viết: Khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; Thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của Ngành; Nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân.
Chương 6, điều 41: Khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; Có thái độ ứng xử đúng mực; Không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.
Như vậy, theo thông tư này, khi làm việc công, gặp bất kỳ người dân nào cán bộ công an đều phải chào bằng động tác kết hợp chào bằng lời, chứ không riêng gì “CSGT chỉ chào những người lịch sự khi xử lý vi phạm”.
Khánh Duy